Ngành BHXH Việt Nam: Gia tăng “gam màu sáng” trong bức tranh an sinh xã hội
Chiều 9/7, dưới sự chủ trì của Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến toàn Ngành 6 tháng đầu năm 2024. Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường; các Phó Tổng Giám đốc; cùng đại diện lãnh đạo BHXH cấp tỉnh và cấp huyện từ gần 700 điểm cầu trên toàn quốc.
Mở rộng độ bao phủ BHXH, BHYT
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hội nghị này, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá: “Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ 6 tháng đầu năm; đề ra các giải pháp chỉ đạo, điều hành trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024. Đặc biệt, Hội nghị sẽ ghi nhận các kết quả nổi bật, rà soát các mặt công tác còn gặp khó khăn; trên cơ sở đó rút ra bài học kinh nghiệm, giải pháp phù hợp với từng địa phương để hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch đặt ra trong năm 2024”.
Báo cáo của BHXH Việt Nam tại Hội nghị cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT đạt được những kết quả tích cực và có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023. Ngành BHXH Việt Nam đã quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT theo đúng quy định pháp luật; tăng cường cải cách TTHC, đẩy mạnh chuyển đổi số theo đúng kế hoạch, nội dung tại Đề án 06 của Chính phủ; tích cực xây dựng, sửa đổi các quy trình, quy chế; kỷ luật, kỷ cương trong toàn Ngành được đảm bảo…
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, toàn quốc có 18,305 triệu người tham gia BHXH, đạt tỷ lệ bao phủ 39,05% lực lượng lao động (tăng 1,164 triệu người so với cùng kỳ năm trước); 14,965 triệu người tham gia BH thất nghiệp, đạt tỷ lệ bao phủ 31,93% lực lượng lao động (tăng 955 nghìn người so với cùng kỳ năm trước); 92,131 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 91,86% dân số (tăng 1,225 triệu người so với cùng kỳ năm trước).
Những kết quả tích cực này đạt được trong bối cảnh nhiều thuận lợi của nền kinh tế, đặc biệt là sự chủ động của ngành BHXH Việt Nam trong việc bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, nhất là phát huy vai trò “then chốt” của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.
Bên cạnh các yếu tố thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành, các đơn vị trực thuộc và BHXH các địa phương cùng với đội ngũ CBVC trong toàn Ngành đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, quyết tâm, chủ động triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đạt được nhiều kết quả toàn diện...
Ưu tiên cao nhất cho quyền lợi người dân
Báo cáo của BHXH Việt Nam cũng ghi nhận sự nỗ lực của BHXH các địa phương trong công tác giải quyết và chi trả đầy đủ, kịp thời các chế độ BHXH, BH thất nghiệp tới từng người thụ hưởng, qua đó góp phần hỗ trợ ổn định cuộc sống của người dân, NLĐ. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết các chế độ; kịp thời ngăn chặn tình trạng lạm dụng, gây thất thoát quỹ BHXH.
Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, toàn Ngành đã giải quyết cho 40.332 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng, trong đó gồm: 29.441 người hưởng lương hưu, tăng 10,67% so với cùng kỳ năm trước; 686.110 người hưởng các chế độ một lần (594.947 người hưởng BHXH một lần, tăng 3,79% so với cùng kỳ năm trước); 4.109.428 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DS-PHSK; phối hợp với ngành LĐ-TB&XH giải quyết cho 442.382 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (giảm 9,85% so với cùng kỳ năm 2023) và 8.706 người hưởng hỗ trợ học nghề (giảm 4,31% so với cùng kỳ 2023).
Đặc biệt, nhằm đảm bảo người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH được hưởng theo mức lương mới trong thời gian sớm nhất, từ cuối tháng 6, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các vụ, ban chuyên môn và BHXH các tỉnh, thành phố tập trung đảm bảo tốt nguồn kinh phí, nhân lực, hạ tầng CNTT... với quyết tâm để người thụ hưởng (gồm cả người hưởng bằng tiền mặt và hưởng qua tài khoản cá nhân) nhận chế độ nhanh nhất, kịp thời nhất. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, đã thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp với tổng số tiền 165.886 tỷ đồng (tăng 14,32% so với cùng kỳ năm 2023).
Các giải pháp thực hiện chính sách BHYT cũng được triển khai đồng bộ; kiểm soát chặt chẽ, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng quỹ BHYT trong điều kiện các nguồn lực có hạn. Đảm bảo chi đúng, chi đủ, phục vụ kịp thời các hoạt động KCB, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân và đảm bảo quyền lợi của người tham gia; tập trung mọi nguồn lực cho KCB, đặc biệt là các bệnh hiếm, bệnh mạn tính, bệnh hiểm nghèo và những người có hoàn cảnh khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 88,163 triệu lượt KCB BHYT (tăng 5,173 triệu lượt so với cùng kỳ năm 2023), với tổng số tiền đề nghị quỹ BHYT thanh toán là 66.300 tỷ đồng (tăng 9.266 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023).
Toàn ngành BHXH Việt Nam luôn thống nhất, xác định rõ quan điểm chỉ đạo xuyên suốt “Lấy người dân, DN làm chủ thể, trung tâm phục vụ”. Vì vậy, công tác cải cách TTHC luôn được chú trọng đẩy mạnh; các TTHC thường xuyên được rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm tối đa về quy trình, thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu, hồ sơ, thời gian thực hiện; ứng dụng hiệu quả công nghệ số, sửa đổi quy trình nghiệp vụ TTHC trên cơ sở kết nối, chia sẻ thông tin giữa các CSDL nhằm cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi tối đa phục vụ người dân, DN khi giao dịch với cơ quan BHXH. Hiện nay, BHXH Việt Nam là một trong 7 cơ quan đã hoàn thành 100% phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư.
Cùng với cả hệ thống chính trị, BHXH Việt Nam đã nỗ lực, chủ động triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06). Cụ thể: Tiếp tục phối hợp với Bộ Công an thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về dân cư với CSDL quốc gia về bảo hiểm; phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ CCCD gắn chip và ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) thay thế thẻ BHYT giấy trong KCB BHYT; hoàn thiện, nâng cấp các hệ thống phần mềm nghiệp vụ; nâng cấp, triển khai ứng dụng VssID; triển khai tích hợp, cung cấp DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia...
Công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được đổi mới, ứng dụng mạnh mẽ CNTT để tăng hiệu quả, chất lượng, giảm nhân lực, thời gian thanh tra, kiểm tra; thực hiện tốt chế độ tiếp công dân thường xuyên, định kỳ và đột xuất; quan tâm việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với công dân nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở.
Chủ động tháo gỡ khó khăn
Tại Hội nghị, BHXH các địa phương đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, giải pháp phù hợp với điều kiện của từng dịa phương để đạt được kết quả tốt nhất. Cụ thể: BHXH TP.Hải Phòng tăng tỷ lệ bao phủ, tích cực triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng trục lợi BHXH, BHYT. Với nỗ lực ngay từ đầu năm, BHXH tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện thu BHXH vượt tiến độ từ tháng 5/2024, giảm số chậm đóng BHXH, BHYT. Hay như BHXH tỉnh Bình Thuận chủ động tham mưu, vận dụng hiệu quả sự vào cuộc của chính quyền địa phương...
Phân tích các điểm chung trong kinh nghiệm đạt được liên quan kết quả thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT, ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ đánh giá: Thời gian qua, BHXH các địa phương đã nắm chắc, bám sát tình hình, yêu cầu thực tiễn. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, việc không ngừng mở rộng cộng tác viên ở cơ sở tại các địa phương, đặc biệt là tại các thôn bản, tổ dân phố đã góp phần quan trọng thực hiện các chỉ tiêu được giao. Bởi, đây là những người gần dân nhất và là cầu nối quan trọng chuyển tải chính sách của Đảng và Nhà nước đến từng người dân...”. Vì vậy, ông Hào đề nghị BHXH các địa phương cần nỗ lực, có sự đột phá để hoàn thành nhiệm vụ năm 2024, song song với tuân thủ các hướng dẫn, quy trình nghiệp vụ mà BHXH Việt Nam đã ban hành.
Trao đổi về kết quả kiểm soát chi phí KCB BHYT, ông Lê Văn Phúc- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT nhấn mạnh hiệu quả từ sự quyết liệt trong điều hành của BHXH Việt Nam và các địa phương. Theo ông Phúc, việc BHXH Việt Nam tổ chức các hội nghị giao ban về kiểm soát chi phí KCB BHYT đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong KCB BHYT; cũng như kiểm soát tốt chi phí để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh BHYT. Bên cạnh đó, ông Phúc cũng chỉ rõ những tồn tại khi nhiều địa phương gia tăng cao chi phí KCB BHYT; từ đó đưa ra cảnh báo chi phí KCB BHYT năm 2024 có thể vượt 6-8% so với dự toán, đòi hỏi BHXH các địa phương cần tăng cường các giải pháp kiểm soát hiệu quả chi phí KCB BHYT...
Các đơn vị nghiệp vụ (Ban Thực hiện chính sách BHXH, Vụ Tài chính-Kế toán) cũng chia sẻ thông tin về chi trả lương hưu theo mức mới, nỗ lực của BHXH các địa phương đẩy mạnh chi trả qua tài khoản cá nhân, nhất là có những địa phương đã đạt hiệu quả cao như BHXH tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH đến trên 99% người hưởng...
Phát biểu tại Hội nghị, nhấn mạnh sự cần thiết đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt, ông Nguyễn Văn Cường- Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH cho biết, nội dung này đã được HĐQL đưa vào Nghị quyết từ năm 2022, nhằm tiết kiệm chi phí các đơn vị trung gian, cũng như đảm bảo chi trả đúng hạn cho người hưởng. Bên cạnh đó, ông Cường cũng lưu ý sự chủ động của ngành BHXH Việt Nam trong việc tuyên truyền các chính sách mới, đơn cử như Luật BHXH (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua để góp phần tăng số người tham gia BHXH.
Bên cạnh đó, ông Cường cũng đề nghị BHXH Việt Nam chú trọng nâng cấp và đồng bộ dữ liệu, thực hiện chuyển đổi số nhanh chóng, hiệu quả nhằm góp phần tiết kiệm chi phí hành chính. “Tháng 3 vừa qua, ngành BHXH Việt Nam được thành lập cơ quan thanh tra. Vì vậy, cần tăng cường đẩy mạnh hoạt động này, đặc biệt là lĩnh vực giám định chi phí KCB BHYT, làm sao hạn chế vượt dự toán KCB BHYT năm 2024, khi nguồn kết dư của quỹ hiện nay còn hạn chế”- ông Cường nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của toàn Ngành, nhất là đã đạt được các kết quả tích cực trong triển khai nhiệm vụ nửa đầu năm 2024. Theo Tổng Giám đốc, công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT ngày càng hiệu quả; nội dung và hình thức truyền thông dễ hiểu, bài bản, chuyên nghiệp, có sức lan tỏa mạnh mẽ, từ đó tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội... “Đây là điểm mạnh cần được tiếp tục phát huy trong thời gian tới”- Tổng Giám đốc lưu ý.
Chỉ rõ việc triển khai nhiệm vụ của toàn Ngành sẽ còn gặp không ít khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang đối diện với nhiều thách thức, Tổng Giám đốc bày tỏ tin tưởng, trên cơ sở những kết quả và kinh nghiệm mà toàn Ngành đã triển khai thực hiện trong thời gian qua, hoàn toàn có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2024, nhất là có thể vượt một số chỉ tiêu... “Hiện mục tiêu được xây dựng trong năm 2024 là đạt tỷ lệ dân số tham gia BHYT là 94,1%; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH là 42-43%; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BH thất nghiệp là 33-33,5%”- Tổng Giám đốc nhấn mạnh chỉ tiêu năm 2024.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng đặc biệt lưu ý một nhiệm vụ quan trọng, đó là toàn Ngành cần chủ động phân tích, đánh giá, nâng cao năng lực dự báo để kịp thời có phương án, kịch bản, giải pháp chỉ đạo, điều hành “từ sớm, từ xa” đối với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn; có nhận thức và hành động đúng đắn, kịp thời, thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Cùng với đó, cần bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác BHXH, BHYT; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xây dựng, triển khai tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.
Đáng chú ý, mục tiêu của Ngành là phải tập trung hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao và cần được thực hiện song hành với quản lý rủi ro, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nghiệp vụ, đặc biệt là quy trình quản lý thu, tạm ứng, thanh toán, quyết toán; cũng như đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với an toàn thông tin. “Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu; đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, tài chính. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phân công công việc cần phải thực hiện 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả” đi đôi với kiểm tra, giám sát; khen thưởng kịp thời; xử lý nghiêm vi phạm; làm việc nào dứt việc đó; khen thưởng và xử lý kỷ luật kịp thời, nghiêm minh”- Tổng Giám đốc chỉ đạo.
Thái An