Xu hướng nghỉ việc đột ngột của giới trẻ Trung Quốc
Nghỉ làm một năm để đi du lịch và khám phá những niềm đam mê mới thay vì làm việc hết mình để thăng tiến nhanh chóng trong sự nghiệp hoặc được tăng lương- đó là xu hướng của một bộ phận ngày càng đông của giới trẻ Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, giới trẻ ở Trung Quốc không ngại lên mạng xã hội để chia sẻ những khó khăn của mình khi phải làm việc nhiều giờ và bị trả lương thấp. Nhìn bề ngoài, cuộc sống dường như được nâng lên nhưng thực thế không ít người luôn ở trong trạng thái mệt mỏi và không có thời gian dành cho bản thân. Đối với nhiều người trẻ, điều xa xỉ hiện nay là dành thời gian để nghỉ ngơi, thoát khỏi guồng quay công việc bận rộn. Vì vậy, họ quyết định nghỉ việc giữa chừng.
Trên mạng xã hội Trung Quốc hiện nay có một cụm từ phổ biến "hai điểm, một đường". "Cụm từ này mô tả việc phải di chuyển vô tận từ nhà đến nơi làm việc và quay lại mà không có cơ hội chiêm ngưỡng bất cứ điều gì mới"- Jack Porteous thuộc công ty tư vấn Tong Global lý giải trên báo Business Insider. Ông cho biết, cảm giác buồn tẻ và làm việc quá mệt đã trở thành động lực thay đổi cho nhiều người lao động đang chán nản. Họ bắt đầu quay video về "cú nghỉ việc ồn ã", tức là chia sẻ công khai về nghỉ việc trên mạng xã hội, và dành thời gian để khám phá đất nước Trung Quốc hoặc nước ngoài trong một khoảng thời gian.
Thời gian gần đây, các cuộc thảo luận cũng đang diễn ra tràn lan trên mạng xã hội về một thuật ngữ dịch theo nghĩa đen là "từ chức trần trụi", tức là bỏ việc mà không có kế hoạch dự phòng nào. Điển hình là một bài đăng lan truyền được viết bởi một thanh niên 28 tuổi trên weibo- phiên bản Twitter của Trung Quốc. Người viết dùng bút danh đăng bài hôm 5/7 cho biết đã từ chức mà không hề chuẩn bị trước vì muốn "dừng lại một thời gian".
"Trong hai năm qua, lương của tôi cứ nửa năm lại tăng một lần, nhưng tôi luôn nghĩ điều quan trọng nhất trong cuộc đời mình không phải là công việc"- người này chia sẻ. Tác giả bài đăng còn đưa ra một danh sách những việc dự định làm sau khi nghỉ việc- học tiếng Anh, rèn luyện sức khỏe, luyện nấu nướng, giành thời gian cho gia đình và thực hiện một chuyến đi để "tham quan tất cả những cảnh đẹp tuyệt vời mà tôi chưa bao giờ có thời gian để ngắm".
"Tôi không biết liệu cuộc sống của mình có tốt hơn sau lần 'từ chức trần trụi' này không. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu tôi vẫn như cũ thì những điều tôi không dám làm ở tuổi 28 sẽ trở thành những điều mà bản thân tôi khi trưởng thành sẽ không bao giờ thử"- người này viết tiếp.
Trên Weibo hiện có rất nhiều chủ đề thịnh hành mở rộng về xu hướng nói trên. Ví dụ như "tiết kiệm bao nhiêu trước khi nghỉ việc", "ba điều cần cân nhắc trước khi nghỉ việc" và "20 công việc cần thử sau khi nghỉ việc". Còn trên Xiaohongshu, một mạng xã hội tương tự như Instagram, người ta cũng chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống sau khi nghỉ việc đột ngột.
Sally Maier-Yip, người sáng lập công ty tư vấn 11K Consulting, cho rằng quãng thời gian dành cho bản thân sau nghỉ việc đột ngột giúp người lao động trẻ có thể nghỉ ngơi đủ để họ quay lại thị trường lao động với tâm thế sảng khoái và nhiều động lực hơn. "Họ muốn đi du lịch, học các kỹ năng mới hoặc tham gia vào công việc tình nguyện trước khi dấn thân vào con đường sự nghiệp lâu dài", cô nói.
Theo Laurence Lim, người sáng lập công ty xây dựng thương hiệu Cherry Blossoms Intercultural Branding, người lao động có tuổi lại hoài nghi về xu hướng với gap year (kỳ nghỉ ngắt quãng) này. Cô chia sẻ có nhiều bài đăng trên mạng xã hội chỉ trích và cho rằng đó là một khái niệm của phương Tây không phù hợp với xã hội Trung Quốc. Các thế hệ lớn tuổi có thể coi đó là trở ngại cho sự phát triển nghề nghiệp, trong khi Gen Z (sinh từ năm 1997 đến năm 2012) có lẽ cởi mở hơn trong việc ưu tiên việc tự nhận thức và chăm sóc bản thân.
Hoàng Dương