Print

Trung Quốc: Nhiều trường mầm non biến thành nơi chăm sóc người già

Thứ Tư, 17 /07/2024 12:38

Các số liệu thống kê chính thức cho thấy, Trung Quốc sẽ có thêm hàng trăm triệu người cao tuổi trong những thập niên tới.

Sự già hóa dân số diễn ra nhanh chóng đang ảnh hưởng mạnh đến nhiều ngành nghề ở Trung Quốc, trong đó có giáo dục. Đã có hàng nghìn trường mầm non đóng cửa trên khắp đất nước vì không tuyển được học sinh. Tỷ lệ sinh ít khiến số trẻ em ngày càng giảm. 

Trước tình trạng này, nhiều trường mầm non buộc phải thay đổi, với không ít cơ sở được sử dụng thành nơi chăm sóc người cao tuổi. Li Xiuling, 56 tuổi, hiệu trưởng một trường mầm non ở tỉnh Sơn Tây, chia sẻ: "Vấn đề trở nên đặc biệt rõ ràng khi số trẻ tiếp tục giảm. Sau khi trường mẫu giáo của tôi không thể tuyển sinh, tôi đã nghĩ về cách tận dụng nó một cách tốt nhất".

Trường mầm non của bà Li được thành lập năm 2005 và từng có tới 280 học sinh. Tuy nhiên, cơ sở giáo dục đã buộc phải đóng cửa vào năm ngoái. Đến cuối năm, trường hoạt động trở lại nhưng với một tên gọi khác là Ấn tượng của Tuổi trẻ, cung cấp các hoạt động giải trí cho người cao tuổi. Hiện trường có khoảng 100 học viên cao tuổi, học các môn như âm nhạc, khiêu vũ, người mẫu…

"Đó là một ý tưởng khá tiến bộ. Những người cao tuổi tham dự lớp học này để thực hiện một số ước mơ khi còn trẻ", Hiệu trưởng Li cho biết.

Học viên He Ying, 63 tuổi, nói rằng việc tham gia lớp học đã giúp bà vượt qua sự thiếu tự tin sau khi nghỉ hưu và có cơ hội gặp gỡ những người bạn mới. "Tôi từng cảm thấy đời sống văn hóa của mình rất nghèo nàn, và cuộc sống chẳng có mấy ý nghĩa. Nhưng mọi người ở đây không chỉ chờ già đi", bà chia sẻ.

Theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc, gần 15.000 trường mẫu giáo đã đóng cửa trong năm 2023, khi số lượng tuyển sinh giảm 5,3 triệu so với năm 2022. Cùng năm, tại Sơn Tây, số ca tử vong nhiều hơn 78.000 người so với số trẻ chào đời.

Yan Xi- người từng là giáo viên mầm non nhưng đang dạy các lớp dành cho người về hưu, thừa nhận cô đã phải mất một thời gian để thích nghi với công việc việc thay đổi. "Những đứa trẻ tin bất cứ điều gì bạn nói, nhưng người lớn tuổi có cách suy nghĩ riêng của họ. Tôi phải suy nghĩ kỹ hơn về cách giao tiếp với họ", cô nói. 

Theo các báo cáo, một số cơ sở mầm non khác trên khắp Trung Quốc đã đạt được thành công nhờ chuyển đổi từ giáo dục trẻ em sang dạy học cho người cao tuổi.

Theo số liệu thống kê chính thức, Trung Quốc đã trải qua sự gia tăng đáng kể lực lượng dân số cao tuổi vào năm ngoái, thêm gần 17 triệu người trên 60 tuổi. Nhóm nghiên cứu Economist Intelligence Unit cho biết, nhóm tuổi này chiếm hơn 20% dân số và dự kiến chiếm tới khoảng 1/3 vào năm 2035.

Bắc Kinh có kế hoạch triển khai hệ thống chăm sóc người già quốc gia "tương đối tốt" vào năm 2025 nhưng số viện dưỡng lão vẫn chưa còn thiếu và phạm vi bao phủ giữa các khu vực chênh lệch tương đối lớn. Chính phủ Trung Quốc ước tính các sản phẩm và dịch vụ phục vụ người cao tuổi, từ du lịch thân thiện với người cao tuổi đến chăm sóc y tế dựa trên công nghệ, có thể trị giá 30 nghìn tỷ Nhân dân tệ (4,13 nghìn tỷ USD) vào năm 2035. Tuy nhiên, đất nước tỷ dân vẫn đang phải vật lộn để phục hồi tỷ lệ sinh đang giảm mạnh, vốn là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bất cân đối về nhân khẩu học.

Ngọc Tuấn