Đài Loan: Cung cấp sữa cho 1,34 triệu học sinh Tiểu học, mẫu giáo
Đài Loan cung cấp sữa cho 1,34 triệu học sinh Tiểu học, mẫu giáo trên toàn quốc, dự kiến vào tháng 9/2024.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đài Loan Trịnh Anh Diệu thông tin, Chương trình Sữa học đường dành cho học sinh từ 3 đến 12 tuổi đang theo học tại các trường Tiểu học, mẫu giáo sẽ khởi động sớm nhất là từ tháng 9/2024.
Chương trình là sự hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Bộ Nông nghiệp Đài Loan, sẽ trở thành một phần lâu dài của chính sách tài chính quốc gia, nhằm cung cấp cho trẻ em nguồn sữa tươi tinh khiết và an toàn để góp phần phát triển thành người trưởng thành khỏe mạnh.
Khi Chương trình triển khai, ước tính sẽ có 1,34 triệu học sinh theo học tại 2.600 trường Tiểu học, mẫu giáo trên toàn quốc được hưởng lợi. Theo Trưởng phòng Hành chính K-12 Bành Phúc Nguyên, Chương trình kéo dài 4 năm, trị giá 4,4 tỷ Đài tệ (tương đương với 5 triệu USD). Các nhà sản xuất sữa địa phương sẽ được hưởng đặc quyền, song nguồn sữa chính dự kiến nhập khẩu chủ yếu từ New Zealand- như một phần của Thỏa thuận Thương mại tự do giữa Đài Bắc- Auckland sẽ có hiệu lực vào năm 2025, với mức thuế được xóa bỏ đối với 99,88% hàng nhập khẩu của New Zealand, bao gồm sữa tươi.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đài Loan Trương Liêu Uyển Chiến cho biết, Bộ sẽ bắt đầu cung cấp thông tin chi tiết để thực hiện Chương trình vào cuối tháng 7/2024. Mục tiêu là kịp triển khai Chương trình trước khi năm học mới bắt đầu vào tháng 9/2024 nhưng trong trường hợp cần thiết, có thể được lùi lại thời điểm thích hợp. Hiện Bộ đang lập ngân sách để đảm bảo có đủ sữa cung cấp cho học sinh đủ điều kiện. Với trẻ em không dung nạp được Lactose (đường chính, còn gọi là carbohydrate, tự nhiên có trong sữa) sẽ được dùng sữa đậu nành bổ sung canxi thay thế.
Sữa không phải là nguồn bổ sung dinh dưỡng truyền thống trong thói quen của người Đài Loan nhưng lượng tiêu thụ sữa đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Năm 2023, bình quân đầu người ở Đài Loan tiêu thụ 20,27 kg sữa, tăng 9% so với năm 2019. Tuy nhiên, vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình 52,81 kg của các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu và 91,91 kg của Australia. Nhưng so với ở Trung Quốc Đại lục (mức trung bình là 11,73 kg vào năm ngoái), mức tiêu thụ ở Đài Loan đã tăng 26% trong cùng thời kỳ 4 năm.
Tùng Anh (Theo AsiaOne)