Lực lượng lao động trên 70 tuổi tăng mạnh ở Hàn Quốc
Thực tế này đã dẫn đến nhiều ý kiến cho rằng Hàn Quốc cần sử dụng lao động lớn tuổi để hỗ trợ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia vốn đang chậm lại.
Theo số liệu chính thức, trong nửa đầu năm 2024, Hàn Quốc có thêm 150.000 người trong lực lượng lao động trên 70 tuổi. Trong bối cảnh dân số trong độ tuổi lao động của "xứ sở kim chi" giảm mạnh vì tỷ lệ sinh thấp và tốc độ già hóa nhanh chóng, dữ liệu này đã và đang thu hút sự chú ý cao độ từ dư luận.
Cơ quan Thông tin Thống kê do chính phủ Hàn Quốc điều hành, hôm 16/7, cho biết số lao động trung bình từ 15 tuổi trở lên trong nửa đầu năm 2024 (tính từ tháng 1 đến tháng 6) là 28,44 triệu, tăng 220.000 so với năm 2023. Sự tăng trưởng này được dẫn dắt bởi một sự gia tăng số lượng người Hàn Quốc lớn tuổi tiếp tục làm việc.
So với cùng kỳ năm ngoái, có thêm 282.000 người từ 60 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động, mức tăng lớn nhất trong tất cả các nhóm tuổi. Đặc biệt, số có việc làm từ 70 tuổi trở lên (tổng cộng 1,93 triệu) tăng thêm 150.000 người, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2018- thời điểm số liệu thống kê liên quan lần đầu tiên được ghi nhận.
Lực lượng lao động thanh niên (15-29 tuổi) giảm 115.000 người trong nửa đầu năm 2024, cùng với đó là lượng lao động ở độ tuổi 40 giảm 82.000 người. Số người có việc làm ở độ tuổi 30 và 50 tăng lần lượt là 91.000 và 43.000, chỉ bằng một phần nhỏ mức tăng trưởng được thấy ở các nhóm lớn tuổi hơn.
Lấy nửa đầu năm làm tham chiếu, tốc độ tăng trưởng chung của lực lượng lao động đã giảm dần từ 941.000 người vào năm 2022 xuống còn 372.000 người vào năm 2023 và 222.000 người vào năm 2024. Tuy nhiên, sự gia tăng số người hoạt động kinh tế ở độ tuổi 70 vẫn tiếp tục tăng, lần lượt thêm 146.000 người vào năm 2022 và 148.000 người vào năm 2023.
Vào ngày 10/7 vừa qua, thành phần dân số từ 65 tuổi trở lên của Hàn Quốc vượt mốc 10 triệu người, chiếm 19,5% tổng dân số, khiến Hàn Quốc ngấp nghé ngưỡng một xã hội siêu già. Theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một xã hội được xếp vào diện siêu già khi dân số trên 65 tuổi đạt 20% tổng số dân.
Trong khi đó, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đã giảm xuống còn 0,72 vào năm ngoái- mức thấp nhất toàn cầu. Tốc độ già hóa nhanh chóng và tỷ lệ sinh thấp của Hàn Quốc có thể gây ra những hệ lụy lớn cho xã hội. Ngày càng có nhiều lo ngại rằng nguồn cung lao động giảm khiến năng suất lao động bị giảm theo và tiếp sau đó là sự tụt dốc của tiềm năng tăng trưởng kinh tế ở nước này.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc dự báo, nếu thế hệ sinh từ năm 1964 đến 1974 ở nước này bắt đầu nghỉ hưu từ năm nay, xu hướng mới sẽ khiến tăng trưởng hàng năm của quốc gia giảm khoảng 0,4%/năm trong vòng 10 năm tới. Thống kê dân số cũng dự báo dân số trong độ tuổi lao động 15-64 tuổi sẽ giảm hơn 50% trong 50 năm tới.
Trong đánh giá khảo sát kinh tế với Hàn Quốc mới đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định, việc kéo dài thời gian làm việc và tăng cường sử dụng người cao tuổi trong các công đoạn sẽ là biện pháp hiệu quả cải thiện Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và kết quả tài chính của nước này. Để cải cách thị trường lao động, OECD khuyến nghị Hàn Quốc cần tính toán và áp dụng một hệ thống tiền lương linh hoạt gắn tiền lương với đặc điểm vị trí việc làm và hiệu suất không phân biệt tuổi tác. Một trong số các khuyến nghị với Hàn Quốc là tăng tuổi nghỉ hưu hợp pháp và loại bỏ dần độ tuổi nghỉ hưu bắt buộc của các doanh nghiệp.
Ngọc Tuấn