Print

Thực hiện BHYT tại các đơn vị SDLĐ: Cần đảm bảo tính đồng bộ, bền vững

Thứ Hai, 22 /07/2024 09:33

Là một trong những địa phương phát triển mạnh công nghiệp ở phía Nam, số người tham gia BHYT tại các đơn vị SDLĐ tại Đồng Nai luôn giữ được tốc độ tăng tương đối tích cực. Cụ thể, theo số liệu của BHXH tỉnh Đồng Nai, hiện có trên 800.000 NLĐ đang tham gia BHYT tại các đơn vị SDLĐ. Trong đó, giai đoạn 2015-2019 có khoảng 754.900 người; còn giai đoạn 2009-2014 có 559.060 người.

Tuy nhiên, khi xét đến cơ cấu trong tổng số người tham gia BHYT tại Đồng Nai, tỷ lệ của nhóm tham gia tại đơn vị SDLĐ có xu hướng giảm dần. Giai đoạn 2009-2014 chiếm khoảng 35,5%; đến giai đoạn 2015-2019 giảm xuống còn 32,2% và hiện nay chỉ còn chiếm khoảng 28,2%.

“Điểm nhấn” có lẽ là năm 2021, số tham gia BHYT tại các DN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã giảm khoảng 24.900 người so với năm 2020. Thực tế cho thấy, đà giảm đã có từ năm trước đó, như năm 2020 giảm trên 5.510 người so với năm 2019. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khiến hoạt động của các DN bị tác động mạnh, một số phải cắt giảm lao động, dẫn đến giảm số tham gia BHYT.

Ở khu vực miền Bắc, TP.Hải Phòng cũng là địa phương có sự phát triển công nghiệp tương đối tốt, số tham gia BHYT tại các DN vì vậy cũng rất đáng kể. Tiêu biểu như: Năm 2010, số tham gia tại nhóm này là trên 423.150 người, tăng trên 173.430 người so với năm 2009. Dù vậy, qua năm 2011, số tham gia BHYT tại các DN của Hải Phòng lại giảm (chỉ còn 381.110 người); năm 2012 giảm còn 265.067 người. Từ năm 2013, đà tăng được duy trì trở lại và đều qua các năm, đến năm 2023 đạt 467.565 người.

Tương tự như Đồng Nai, khi xét về cơ cấu trong tổng số người tham gia BHYT, tỷ lệ của nhóm tham gia tại đơn vị SDLĐ của Hải Phòng có xu hướng giảm dần, không có nhiều sự ổn định. Cụ thể: Năm 2010 chiếm 35,5%; đến năm 2011 chỉ còn 28,45%; thấp nhất là năm 2013 chỉ còn 18,95%; năm 2023 chiếm 24,44%.

Rõ ràng, ở Đồng Nai hay Hải Phòng, nhóm tham gia BHYT tại các đơn vị SDLĐ đã từng giữ “vị thế” chủ yếu để tăng tỷ lệ bao phủ BHYT tại các địa phương này. Tuy nhiên, qua từng năm, khi chỉ tiêu BHYT được giao liên tục tăng cao, tốc độ phát triển BHYT tại các DN không đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Do đó, cơ quan BHXH phải đẩy mạnh phát triển BHYT hộ gia đình. Cũng bởi điều này dẫn đến tỷ trọng của nhóm BHYT tại các đơn vị SDLĐ trong cơ cấu tổng số tham gia BHYT tại các địa phương có xu hướng giảm dần.

Như vậy, trong giai đoạn 2009-2022, số tham gia BHYT tại các đơn vị SDLĐ đã tăng hơn 2 lần- đây là kết quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, so với tương quan các nhóm tham gia khác, sự gia tăng của nhóm BHYT tại các đơn vị SDLĐ còn khá hạn chế. Trong cùng giai đoạn này, nhóm tham gia BHYT hộ gia đình đã tăng hơn 8 lần (từ 3,76 triệu người năm 2009, tăng lên 24,89 triệu người năm 2023).

Xét về cơ cấu tổng số người tham gia BHYT trên cả nước, tỷ trọng của nhóm tham gia tại đơn vị SDLĐ gần như không có sự thay đổi đáng kể: Năm 2009 chiếm 15,57%; đến năm 2023 chỉ tăng thêm 1%, chiếm 16,4%. Đáng chú ý, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên nhóm tham gia BHYT tại các đơn vị SDLĐ giảm, chỉ còn chiếm 15,88% trong tổng số người tham gia BHYT, thấp hơn so với năm 2015 (chiếm 16,35%). Cũng trong giai đoạn này, nhóm BHYT hộ gia đình tăng nhanh tỷ trọng, khi năm 2023 chiếm 26,58%, chỉ xếp sau nhóm do NSNN đóng (29,59%).

Từ những phân tích nói trên, có thể thấy, nhóm tham gia BHYT tại các đơn vị SDLĐ vẫn đang đóng vai trò quan trọng (với khoảng 15 triệu người) trong lộ trình thúc đẩy BHYT toàn dân ở nước ta. Trong giai đoạn vừa qua, dù sự gia tăng không nhiều, nhưng lực lượng lao động đang làm việc tại các DN vẫn đang chiếm một tỷ trọng tương đối trong tổng số người tham gia BHYT ở nước ta.

Ở các thời điểm khác nhau, tại Đồng Nai và Hải Phòng hay các địa phương phát triển mạnh công nghiệp, nhóm tham gia BHYT tại các đơn vị SDLĐ từng là nguồn lực chính để tăng tỷ lệ bao phủ BHYT. Tuy nhiên, những diễn biến trong các năm gần đây, nhất là trong thời điểm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, rất cần các giải pháp để đảm bảo bền vững hơn số tham gia BHYT tại các đơn vị SDLĐ.

Diễn biến tăng, giảm số lao động tham gia BHXH, BHYT tại các DN là thực tế cần được nhìn nhận mang tính khách quan. Đây là một yếu tố phụ thuộc vào diễn biến của nền kinh tế cũng như thị trường lao động ở từng thời điểm nhất định. Bài học kinh nghiệm cho thấy, để chủ động phát triển BHYT, một mặt cơ quan BHXH phải theo sát tình hình hoạt động ở các DN, nhất là các đơn vị có quy mô lớn, lường trước được biến động tăng giảm lao động, qua đó có kế hoạch chuẩn bị thực hiện cho các mục tiêu phát triển BHYT ở từng thời điểm. Việc này cũng là yếu tố cần thiết để đảm bảo các đơn vị này thực hiện đúng quy định pháp luật, tham gia BHXH, BHYT đầy đủ cho NLĐ; kịp thời thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm (nếu có).

Mặt khắc, với hệ thống CSDL người tham gia BHXH, BHYT đã được kết nối, đồng bộ, xác thực với CSDL quốc gia về dân cư, cơ quan BHXH phải nắm chắc thông tin, diễn biến thay đổi tình trạng việc làm của NLĐ. Đồng thời, đảm bảo tuyên truyền, vận động để NLĐ tham gia BHYT hộ gia đình (hoặc nhóm khác) ngay khi không còn tham gia BHYT tại các đơn vị SDLĐ.

Ngoài ra, quá trình truyền thông cũng cần chủ động ngay từ khi NLĐ còn làm việc tại các DN. Phải chấp nhận thực tế rằng, trong bối cảnh như hiện nay, một bộ phận NLĐ khó có cơ hội gắn bó với một loại việc làm cho đến lúc đủ tuổi nghỉ hưu. Vì vậy, cần tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức về BHXH, BHYT, là tiền đề để NLĐ tự giác tham gia BHXH tự nguyện hay BHYT hộ gia đình ngay khi mất việc làm và không còn được hưởng BHYT từ chế độ BH thất nghiệp.

Theo đánh giá, nhóm tham gia BHYT tại các đơn vị SDLĐ mới chỉ đạt khoảng 95% người thuộc diện tham gia. Như vậy, dư địa tăng ở nhóm này vẫn còn (dù có thể không nhiều) và cần phải có giải pháp đảm bảo thực hiện BHYT đến 100% đối tượng thuộc diện tham gia theo đúng quy định của Luật BHXH, Luật BHYT.

Ngoài ra, Luật BHYT hiện chưa có quy định tham gia đối tượng ký kết HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng (thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH 2014). Đồng thời, Luật BHYT cũng chưa quy định chức năng thanh tra chuyên ngành của cơ quan BHXH.

Đây là những hạn chế cần phải sớm được khắc phục. Lưu ý thêm, theo Luật BHXH (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (ngày 29/6/2024), sẽ mở rộng phạm vi đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Do đó, quá trình sửa đổi Luật BHYT cũng cần nghiên cứu, quy định để đảm bảo tính đồng bộ, tạo sự thống nhất trong quá trình thực hiện BHYT với nhóm tham gia tại các đơn vị SDLĐ.

Bài: Minh Đức

Đồ họa: Thanh An