Print

Các gia đình chính sách phải luôn được hưởng đầy đủ thành quả của sự nghiệp đổi mới

Thứ Hai, 22 /07/2024 17:58

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), chiều 22/7, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì cuộc gặp mặt thân mật 91 đại biểu người có công tiêu biểu và thân nhân người có công.

Trước khi bắt đầu cuộc gặp mặt, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng các đại biểu đã dành phút mặc niệm, tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chủ tịch nước Tô Lâm cùng các đại biểu tham dự cuộc gặp mặt dành phút mặc niệm, tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Báo cáo tại cuộc gặp mặt, ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, 77 năm qua- kể từ ngày 27/7/1947, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công (NCC) với cách mạng và thân nhân. Hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi dành cho NCC đang từng bước hoàn thiện, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử và điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước.

Theo đó, đến nay, cả nước đã xác nhận được 9,2 triệu NCC và thân nhân NCC; các chế độ ưu đãi dành cho NCC ngày một nâng cao. Đặc biệt, trong tháng 7 lịch sử này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi NCC với cách mạng từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng (tăng 35,7%)- cao hơn một bậc so với mức lương cơ sở.

Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại cuộc gặp mặt

Trong 10 năm qua (2013-2023), cả nước đã vận động được gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình NCC; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa; tặng hơn 110.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn; 2.412 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các tổ chức, gia đình nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời...

“Cả nước đã giải quyết dứt điểm được hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đây là việc làm vô cùng khó khăn do thời gian đã quá lâu, hồ sơ thất lạc, người giao nhiệm vụ không còn sống, đồng đội, người làm chứng đều đã mất… Điển hình như trường hợp cụ Phạm Khánh, mất 91 năm, là chiến sĩ tù đày ở Buôn Mê Thuật, mới được công nhận liệt sĩ”- ông Dung cho biết.

Cùng với đó, thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng đã triển khai Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150), được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp giám định ADN và thực chứng. Đến nay, lực lượng chức năng đã thu thập được 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Từ đó, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.

Chủ tịch nước Tô Lâm tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng tham dự cuộc gặp mặt

Theo chỉ đạo của Đại tướng Tô Lâm- khi đó là Bộ trưởng Bộ Công an, từ Đề án 06 (phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử), cả nước đã tích hợp 25.000 dữ liệu ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân. “Sáng mai (ngày 23/7), Thủ tướng Chính phủ sẽ công bố “Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định thông tin và thân nhân liệt sĩ”, tạo điều kiện từng bước xác định danh tính, trả lại tên cho 300.000 liệt sĩ chưa xác định thông tin”- ông Dung thông tin thêm.

Tại cuộc gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ đến các bậc anh hùng liệt sĩ, đồng bào đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. Đồng thời, Chủ tịch nước trân trọng gửi tới các bậc lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, các thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng lời chào thân ái, lời thăm hỏi chân tình, những tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc.

Theo Chủ tịch nước, để bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, đã có biết bao thế hệ, đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống. Trong đó, có hàng vạn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, hàng chục vạn liệt sĩ chưa xác định được danh tính, hàng triệu thương binh, bệnh binh vẫn mang trên mình thương tích chiến tranh. Đất nước đã hòa bình, non sông đã liền một dải, biên cương đã im tiếng súng, nhưng vẫn còn đó niềm mong muốn khắc khoải đưa những người con đã anh dũng hy sinh trở về với quê hương, đoàn tụ với gia đình.

Đồng thời, Chủ tịch nước hoan nghênh, đánh giá cao ý chí tự lực, tự cường của nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, NCC đã vượt lên thương tật, khó khăn, là những tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, góp phần bảo vệ, xây dựng quê hương đất nước.

Chủ tịch nước Tô Lâm chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc NCC, gia đình thương binh, liệt sĩ, Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan tập trung làm tốt 4 nhiệm vụ, công việc. Cụ thể, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể tiếp tục quan tâm, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về NCC, nhất là theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư và Nghị quyết số 42 (năm 2023) của BCH Trung ương Đảng khóa XIII để NCC, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách luôn được hưởng đầy đủ thành quả của sự nghiệp đổi mới đất nước, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bên cạnh đó, tiếp tục giải quyết tốt các chế độ, chính sách, công tác khắc phục hậu quả sau chiến tranh, tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ... Quan tâm cải thiện đời sống, chăm sóc sức khỏe người cô đơn, không nơi nương tựa, đảm bảo 100% NCC có mức sống trên trung bình so với mức sống cộng đồng dân cư nơi cư trú. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng, truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” cho các thế hệ trẻ mai sau.

Ngoài ra, Chủ tịch nước yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục thực hiện tốt vai trò cơ quan quản lý nhà nước về chính sách, công tác thương binh, liệt sĩ, NCC; tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, tập trung nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện chính sách pháp luật NCC với cách mạng đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, góp phần bù đắp đau thương, mất mát, hậu quả sau chiến tranh.

“Tôi mong muốn mỗi địa phương, đơn vị cũng như mỗi cá nhân hãy thực hiện việc này bằng ý thức trách nhiệm, bằng hoạt động cụ thể, thiết thực, coi đó là bổn phận, tình cảm, tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”- Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Vũ Thu