Print

Thuốc chống kết tập tiểu cầu Ticagrelor

Thứ Ba, 23 /07/2024 16:45

Thuốc chống tập kết tiểu cầu là loại thuốc được sử dụng để ngăn tiểu cầu gắn kết trong máu, từ đó ngăn chặn sự hình thành cục máu đông- vốn có thể gây ra nhiều vấn đề, bao gồm đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

Thuốc chống kết tập tiểu cầu Ticagrelor cũng có khả năng ngăn chặn sự hình thành cục máu đông quanh các van tim nhân tạo, stent và thiết bị đặt trong mạch máu hoặc tim. Hiện nay, thuốc chống kết tập tiểu cầu hay dùng là Ticagrelor dạng viên nén bao film hàm lượng 60mg hoặc 90mg. Trên thị trường có bán các thuốc này với tên thương mại như: Brilinta 90mg, Printa 90mg, Platetica…

Ticagrelor ảnh hưởng đến các tế bào gọi là tiểu cầu (còn gọi là huyết khối). Những tế bào máu rất nhỏ này giúp cầm máu bằng cách đóng cục lại với nhau để gắn lên các lỗ nhỏ trên các mạch máu bị tổn thương. Tuy nhiên, tiểu cầu cũng có thể hình thành cục máu đông bên trong các mạch máu ở người bệnh tim và não. Điều đó có thể rất nguy hiểm cho người mắc phải tình trạng này, do các cục máu đông làm cắt đứt nguồn cung cấp máu hoàn toàn, dẫn đến cơn đau tim (nhồi máu cơ tim) hoặc đột quỵ.

Ngoài ra, cục máu đông có thể chặn một phần mạch máu đến tim- điều này làm giảm lưu lượng máu đến tim và có thể gây đau thắt ngực không ổn định. Ticagrelor giúp ngăn chặn sự vón cục của tiểu cầu để tạo cục máu đông- làm giảm khả năng hình thành cục máu đông và tránh được những hậu quả do cục máu đông gây ra.

Trong lâm sàng, viên nén bao film 90mg thường được thầy thuốc chỉ định dùng đồng thời với Acid acetylsalicylic (Aspirin) thuộc nhóm Salicylat- là một loại thuốc giảm đau, hạ sốt phổ biến được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Thuốc được dùng đường uống và có thể uống thuốc sau khi ăn no.

Ticagrelor được chỉ định để phòng ngừa các biến cố huyết khối do xơ vữa động mạch ở bệnh nhân người lớn bị hội chứng mạch vành cấp, hoặc nhồi máu cơ tim có ST chênh lên, gồm bệnh nhân được điều trị nội khoa và bệnh nhân được can thiệp mạch vành qua da hoặc phẫu thuật bắc cầu mạch vành.

Thuốc chống tập kết tiểu cầu Ticagrelor được chỉ định trong các trường hợp bệnh nhân mắc bệnh nhồi máu cơ tim, có các vấn đề liên quan đến động mạch vành hoặc người có triệu chứng đau thắt ngực. Những người trải qua cơn thiếu máu não thoáng qua, người từng mắc đột quỵ, bị bệnh mạch máu ngoại vi hay bị vấn đề về van tim cũng được khuyến cáo sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu theo phác đồ phù hợp với từng cá thể.

Những người trải qua các quá trình nội soi tim, cấy stent hoặc các quá trình liên quan đến tim mạch có nguy cơ bị huyết khối cũng được khuyến cáo sử dụng Ticagrelor. Ngoài ra, thuốc còn giúp giảm khả năng bị đau tim, đột quỵ hoặc tử vong vì một căn bệnh liên quan đến tim hoặc mạch máu.

Nên khởi đầu điều trị với chỉ một liều nạp 180mg (2 viên 90mg); sau đó duy trì với liều 90mg hai lần mỗi ngày. Bệnh nhân nên uống thuốc cùng với Acid acetylsalicylic hằng ngày theo liều chỉ định của thầy thuốc, trừ khi có chống chỉ định cụ thể. Khuyến cáo điều trị kéo dài đến 12 tháng, trừ khi thầy thuốc có chỉ định lâm sàng ngưng dùng Ticagrelor. Nên tránh việc dùng thuốc không đủ liệu trình và ngưng điều trị sớm. Bệnh nhân nên uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày, một viên vào buổi sáng và một buổi tối.

Vì phối hợp Ticagrelor với Aspirin để giúp đông máu là phác đồ đã chọn để chống kết tập tiểu cầu, nên người bệnh cần thông báo cho nhân viên y tế nếu gặp các phản ứng không mong muốn. Nếu bệnh nhân còn phải điều trị bằng các thuốc khác nữa, cần hết sức thận trọng để tránh các tương tác bất lợi.

Một số phản ứng có hại đã được cảnh báo như nồng độ Axit uric trong máu cao khi bệnh nhân đang dùng thuốc làm các xét nghiệm. Chảy máu do rối loạn máu cũng có thể xuất hiện cùng với các vết bầm tím. Tình trạng đau đầu, cảm thấy chóng mặt (cảm giác giống như căn phòng đang quay), tiêu chảy hoặc khó tiêu, táo bón hoặc ngứa. Có thể đau xưng khớp do gout.

Nếu người bệnh bị chảy máu cam, chảy máu sau phẫu thuật hoặc chảy máu âm đạo nặng hơn hoặc xảy ra vào những thời điểm khác nhau so với thời kỳ bình thường chảy máu kinh nguyệt, cần báo ngay cho thầy thuốc để xử trí kịp thời và tạm ngưng thuốc. Một số biểu hiện chảy máu như đi ngoài phân đen (có xuất huyết trong đường tiêu hoá), hay cạo râu bị chảy máu khó cầm là biểu hiện không mong muốn của thuốc cần phải xử lý ngay.

ThS.Lê Quốc Thịnh