Print

Hà Nội: Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết

Thứ Tư, 24 /07/2024 15:53

Số ca mắc sốt xuất huyết trong 2 tuần đầu tháng 7/2024 trên địa bàn Hà Nội gia tăng hơn tháng 6. Nhằm nâng cao công tác phòng chống dịch, Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã sẵn sàng hóa chất, vật tư, trang thiết bị, nhân lực; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và cơ sở y tế; đồng thời thực hiện cách ly, xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát dịch trong cộng đồng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, tuần qua (12-19/7), Hà Nội tiếp tục ghi nhận 118 trường hợp mắc sốt xuất huyết, phân bố tại 21 quận, huyện của thành phố. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết như: Đan Phượng, Hà Đông, Phúc Thọ, Quốc Oai, Cầu Giấy, Thạch Thất, Hoàng Mai. Như vậy, cộng dồn năm 2024, Hà Nội ghi nhận 1.283 trường hợp, không có ca tử vong.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Vũ Thu Hà kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết

Trong tuần, Hà Nội cũng ghi nhận 9 ổ dịch sốt xuất huyết tại các địa phương: Đan Phượng, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Quốc Oai, Phúc Thọ. Cộng dồn năm 2024, Hà Nội ghi nhận 39 ổ dịch, hiện còn 20 ổ dịch đang hoạt động.

Cũng trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 29 ca mắc tay chân miệng, không có ca tử vong, giảm 2 ca so với tuần trước. Từ đầu năm đến nay, ghi nhận 1.682 ca mắc tay chân miệng, không có ca tử vong. Trong tuần không ghi nhận ổ dịch, cộng dồn năm 2024 ghi nhận 39 ổ dịch đều đã kết thúc hoạt động.

Bệnh ho gà trong tuần ghi nhận 20 trường hợp mắc, không ghi nhận ca tử vong. Bệnh nhân ghi nhận rải rác tại 15/30 quận, huyện, trong đó có 14 trường hợp là trẻ dưới 5 tháng tuổi. Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 193 trường hợp mắc tại 29 quận, huyện, thị xã và không có ca tử vong.

Ngoài ra, Hà Nội còn ghi nhận 1 ca mắc liên cầu lợn tại xã Vật Lại (Ba Vì). Các dịch bệnh khác như sởi, viêm não Nhật Bản, não mô cầu, rubella… không ghi nhận trong tuần. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch, giám sát khu vực ổ dịch đang hoạt động tại Đan Phượng, Thạch Thất, Hoài Đức, Quốc Oai.

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, dự báo dịch sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng trong thời gian tới, tay chân miệng ghi nhận rải rác ca bệnh; ho gà tiếp tục xuất hiện rải rác các ca bệnh, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vắc-xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Đối với bệnh bạch hầu, ổ dịch tại Nghệ An và Bắc Giang đã được kiểm soát; nguy cơ dịch bạch hầu lây lan trên địa bàn thành phố thấp do tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng bạch hầu trong 5 năm gần đây đều đạt trên ngưỡng bảo vệ.

Thời gian tới, CDC Hà Nội tiếp tục phối hợp với các đơn vị giám sát khu vực ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động, khu vực nguy cơ tại: Xã Phương Đình (Đan Phượng), phường Trung Hòa (Cầu Giấy), xã Liên Hiệp (Phúc Thọ); xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì). Các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xā cũng tiếp tục tổ chức đợt cao điểm ra quân tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và truyền thông về phòng chống sốt xuất huyết theo chỉ đạo của UBND Thành phố; tăng cường công tác giám sát phát hiện bệnh nhân, tổ chức điều tra, khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có ca bệnh, ổ dịch, không để ổ dịch diễn biến kéo dài.

Đồng thời, các quận, huyện, thị xã cần tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống một số dịch bệnh như sốt xuất huyết, ho gà, sởi, viêm não Nhật Bản, tay chân miệng... Riêng với các bệnh có vắc-xin, cần khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Trước đó, UBND TP.Hà Nội đã có Công văn số 2364/UBND-KGVX về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa Hè 2024. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh mùa Hè, UBND Thành phố yêu cầu Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý dịch.

Bên cạnh đó, thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng bảo đảm an toàn, hiệu quả. Rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi. Vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc-xin đầy đủ, đúng lịch và khuyến khích việc tiêm vắc-xin phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai.

UBND Thành phố cũng yêu cầu Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với ngành Y tế hướng dẫn và tổ chức triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ. Thực hiện tốt truyền thông học đường về phòng chống dịch và tiêm vắc-xin phòng bệnh và công tác y tế trường học để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Ngoài ra, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng chống dịch trên địa bàn; chủ động rà soát các địa bàn, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch để triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống từ sớm, từ xa, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan. Bảo đảm đáp ứng đầy đủ, sẵn sàng hóa chất, vật tư, trang thiết bị, nhân lực... phục vụ cho công tác phòng chống dịch tại địa phương theo phương châm "4 tại chỗ"; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu hóa chất, vật tư, trang thiết bị; rà soát, đảm bảo đầy đủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các lực lượng tham gia công tác phòng chống dịch bệnh.

Hà Hùng