Xu hướng bỏ việc văn phòng để lao động chân tay ở Trung Quốc
Dù đang có công việc văn phòng ổn định với mức lương tốt, nhiều người trẻ ở Trung Quốc vẫn quyết định chuyển sang làm lao động chân tay để giải tỏa áp lực.
Khi còn là nhân viên hành chính tại một trong những tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc, Leon Li, 27 tuổi, phải làm việc suốt ngày đêm để sắp xếp các cuộc họp, chuẩn bị tài liệu và luôn trong trạng thái sẵn sàng hỗ trợ cấp trên khi họ cần. Tháng 2 vừa qua, cô quyết định nghỉ việc, chuyển sang làm dọn dẹp nhà cửa. Chia sẻ với CNN, cô gái đang sống tại Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) kể về công việc trước đây của mình. "Mỗi buổi sáng khi chuông báo thức reo, tất cả những gì tôi có thể thấy là tương lai tẻ nhạt của mình".
Ở Trung Quốc hiện nay ngày càng có nhiều lao động giống như Li, chuyển từ công việc văn phòng áp lực sang các lao động chân tay. Nhiều người trong số họ từng làm việc cho một số công ty lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, các tập đoàn này đang dần mất đi sức hấp dẫn khi nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức như khủng hoảng bất động sản, đầu tư nước ngoài giảm và sức tiêu dùng hạ nhiệt. Theo dữ liệu mới nhất được Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 15/7, nền kinh tế nước này trong quý 2/2024 tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế và là mức yếu nhất kể từ quý 1/2023.
Hơn nữa, thời gian làm việc kéo dài gây mệt mỏi khiến nhiều nhân viên như Li phải suy nghĩ lại liệu có đáng để đánh đổi thời gian và sức khỏe của mình để lấy mức lương cao hay không.
"Tôi thích dọn dẹp. Khi mức sống được cải thiện trên khắp Trung Quốc, nhu cầu về dịch vụ dọn dẹp cũng tăng và thị trường này ngày càng mở rộng ", Li nói. Quan trọng hơn nữa, cô gái cho biết mình cảm thấy hạnh phúc. "Những thay đổi mà nó mang lại là tôi không còn cảm thấy chóng mặt nữa. Áp lực tinh thần cũng giảm. Và mỗi ngày tôi đều cảm thấy tràn đầy năng lượng".
Văn hóa làm việc 996 khét tiếng của Trung Quốc, làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày một tuần được áp dụng ở nhiều hãng công nghệ, công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp tư nhân. Đây cũng chính là một yếu tố khiến nhiều người quyết định nghỉ việc.
Theo nền tảng tuyển dụng Zhaopin của Trung Quốc, xu hướng chuyển từ công việc chuyên môn sang công việc chân tay diễn ra trong bối cảnh nhu cầu về lao động cổ xanh tăng cao.
Trong cuộc khảo sát mới nhất công bố vào tháng 6, Zhaopin ghi nhận nhu cầu về lao động cổ xanh, như nhân viên giao đồ ăn, người lái xe tải, bồi bàn và kỹ thuật viên đã tăng 3,8 lần trong quý đầu năm so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tuyển dụng nhân viên giao hàng tăng nhanh nhất, tới 800%.
Lương của lao động cổ xanh cũng đang được nâng cao nên càng thu hút nhiều lao động hơn. Theo khảo sát của Zhaopin, mua sắm trực tuyến bùng nổ đã khiến mức lương trung bình hàng tháng của một nhân viên giao hàng tăng 45,3% kể từ năm 2019, từ mức 5.581 nhân dân tệ (19 triệu đồng) lên 8.109 nhân dân tệ (28 triệu đồng).
Theo NBS, trong những tháng gần đây, tỷ lệ thất nghiệp đối với những người lao động từ 16 đến 24 tuổi dao động trong khoảng 14,2% đến 15,3%. Trong một báo cáo nghiên cứu năm 2023, hai nhà kinh tế học Larry Hu và Zhang Yuxiao thuộc Đại học Macquarie (Australia) nhận định lĩnh vực dịch vụ, các công ty tư nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc từng là nguồn tạo việc làm chính cho lao động trẻ nhưng họ đang chịu tác động nặng nề bởi nhu cầu tiêu dùng suy giảm.
Ông David Goodman tại Đại học Sydney (Australia) cho rằng hiện đang có sự không tương thích giữa các cử nhân mà trường đại học đào tạo và những gì thị trường thực sự cần. Ông đánh giá nền kinh tế Trung Quốc đang chuyển đổi sang các ngành công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh và dịch vụ, trong khi giáo dục đại học vẫn chủ yếu tập trung vào sản xuất và dịch vụ công, những lĩnh vực đã lỗi thời hoặc bão hòa.
Hoàng Dương