Print

Chuyên gia VIS Rating: Tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm dần nhờ khả năng trả nợ của khách hàng cải thiện

Thứ Tư, 31 /07/2024 14:40

“Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại trong những tháng đầu năm gia tăng. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm dần nhờ khả năng trả nợ của khách hàng cải thiện, khi điều kiện kinh doanh trong nước khả quan hơn và môi trường lãi suất thấp so với nền cao trong năm 2023”- đây là nhận định của bà Phan Thị Vân Anh- Giám đốc, Chuyên gia phân tích cao cấp CTCP Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) về nợ xấu của các ngân hàng trong thời gian qua.

* PV: Trong quý đầu năm 2024, số dư nợ xấu của 28 ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính quý I/2024 vọt tăng thêm 14,4% so với đầu năm, trái ngược với xu hướng giảm từng ghi nhận vào quý IV/2023. Góc nhìn của bà như thế nào về tỷ lệ nợ xấu gia tăng?

- Bà Phan Thị Vân Anh:

Trong quý I/2024, chất lượng tài sản tiếp tục suy giảm, chủ yếu do phân khúc bán lẻ cũng như tỷ lệ xóa nợ thấp hơn. Tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng tăng lên mức 2,2% từ mức 1,9% vào cuối năm 2023. Nhiều ngân hàng tập trung vào bán lẻ đơn cử như VIB, VPB, ABB đã chứng kiến sự gia tăng nợ quá hạn từ các khoản cho vay bán lẻ như cho vay mua nhà.

Bà Phan Thị Vân Anh- Chuyên gia VIS Rating

MBB có tỷ lệ nợ xấu tăng đáng kể so với mức trung bình ngành, chủ yếu đến từ một DN năng lượng tái tạo lớn. Trong nhóm các ngân hàng quốc doanh, BIDV bị suy giảm chất lượng tài sản mạnh hơn với tỷ lệ nợ xấu tăng đáng kể và tỷ lệ xóa nợ thấp. Trong khi đó, OCB đã giảm đáng kể các khoản nợ có vấn đề, nhờ tích cực khắc phục và xử lý các tài sản gán nợ. LPB đã cho thấy chất lượng tài sản có khả năng phục hồi, nhờ thắt chặt chính sách cấp tín dụng và phương thức thu hồi khoản vay.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm trong quý I/2024, theo tôi, là do tỷ lệ nợ xấu tăng trong khi chi phí dự phòng xử lý nợ xấu giảm, nên đã kéo tỷ lệ bao phủ nợ xấu toàn ngành giảm xuống mức 86% tại quý I/2024 từ mức 92% tại cuối năm 2023. MBB có mức giảm bao phủ nợ xấu cao nhất do tỷ lệ nợ xấu hình thành tăng mạnh. Các ngân hàng quốc doanh, đặc biệt là BIDV, cũng giảm mức dự phòng tổn thất từ 200% năm 2023 xuống 171% trong quý I/2024 do chất lượng tài sản suy giảm.

“Bộ đệm” dự phòng của các ngân hàng nhỏ vẫn thấp hơn mức trung bình của ngành và sẽ mất nhiều thời gian hơn để bù đắp khoản dự phòng nợ xấu sau sự suy giảm chất lượng tài sản trong thời gian vừa qua. Trong khi đó, một số ngân hàng tư nhân có chất lượng tài sản ổn định hơn như TCB, LPB; hoặc tích cực xử lý tài sản tồn đọng như OCB, STB tiếp tục cải thiện dự phòng rủi ro cho vay.

* Một số chuyên gia đánh giá, việc xử lý nợ xấu thông qua VAMC vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Vậy, để phát huy hiệu quả vai trò của VAMC, cần hoạt động theo cách thức nào?

- Hơn 10 năm qua, việc bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) để hoán đổi lấy trái phiếu đặc biệt VAMC, đã trở thành công cụ phổ biến của các ngân hàng. Cách làm này mang lại lợi ích cho thanh khoản của ngân hàng và cho ngân hàng thêm thời gian để đáp ứng các tỷ lệ an toàn và giải quyết nợ xấu, mặc dù chưa giúp ích nhiều và trực tiếp về chất lượng tài sản, do các ngân hàng vẫn phải theo dõi và thu hồi nợ xấu.

Tỷ lệ nợ xấu trong các ngân hàng được dự báo sẽ giảm dần

Trái phiếu VAMC có thể được lưu ký tại NHNN, được loại trừ khỏi tỷ lệ nợ xấu an toàn và được phép trong lộ trình trích lập dự phòng. Dư nợ ngân hàng với VAMC đạt đỉnh khoảng 180 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2017 và đã giảm một nửa xuống còn 95 nghìn tỷ đồng vào nửa đầu năm 2023. Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, 2 ngân hàng tư nhân đã bán khoảng 7 nghìn tỷ nợ xấu mới cho VAMC theo hình thức trái phiếu đặc biệt VAMC.

Trong thời gian tới, để tăng cường khả năng mua bán nợ xấu theo giá thị trường cho VAMC, NHNN đã công bố phương án tăng vốn cho VAMC từ 5 nghìn tỷ đồng lên 10 nghìn tỷ đồng và cũng đang nghiên cứu dự thảo sửa đổi Thông tư số 19/2013/TT-NHNN về mua, bán, xử lý nợ xấu của công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc hơn. Đây là dấu hiệu tích cực cho tín dụng, nhưng sẽ cần thời gian để các biện pháp này có hiệu lực.

Tuy nhiên, các vấn đề về quản trị rủi ro rất quan trọng đối với các ngân hàng, để giải quyết trước các khoản vay có vấn đề. Những vụ việc gần đây của các ngân hàng gặp khó khăn về tài chính như SCB (2022), hay 3 ngân hàng “0 đồng” phản ánh mối liên kết giữa ngân hàng với các tập đoàn, DN lớn (chủ yếu là các nhà phát triển bất động sản và xây dựng) thường vượt quá giới hạn quy định về sở hữu và tập trung tín dụng, dẫn đến kiểm soát rủi ro không chặt chẽ và tài sản có vấn đề lớn.

Luật Tổ chức tín dụng 2024 sẽ giúp giảm thiểu rủi ro của các ngân hàng đối với những cá nhân lớn và cổ đông lớn thông qua các ngưỡng giới hạn thắt chặt hơn. Những biện pháp thắt chặt này sẽ thúc đẩy các ngân hàng tăng cường quản trị rủi ro nội bộ, hoạt động cho vay và hỗ trợ chất lượng tài sản.

* Nhận định của bà về nợ xấu của các tổ chức ngân hàng từ nay đến cuối năm như thế nào?

- Từ nay tới cuối năm, VIS kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm dần nhờ khả năng trả nợ của khách hàng cải thiện, khi điều kiện kinh doanh trong nước khả quan hơn và môi trường lãi suất thấp so với nền cao trong năm 2023.

Nhiều chính sách của Chính phủ cùng các quy định pháp lý mới nhằm thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng nội địa sẽ có hiệu lực, từ đó góp phần đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và cải thiện dòng tiền của các DN. Trong khi đó, lãi suất thấp sẽ giảm bớt gánh nặng lãi vay và cải thiện khả năng trả nợ cho khách hàng cá nhân và DN vừa và nhỏ.

Tăng trưởng tín dụng sẽ tăng lên mức 14-15%, dẫn dắt bởi tăng trưởng tín dụng DN trong các lĩnh vực thương mại trong nước, sản xuất, kinh doanh bất động sản, trong khi nhu cầu vay mua nhà cá nhân sẽ dần được phục hồi.

Chi phí tín dụng mặc dù đã giảm trong quý I/2024, nhưng vẫn sẽ ở mức cao, do các ngân hàng cần cải thiện “bộ đệm” dự phòng từ mức đáy của năm 2023, nhất là các ngân hàng tư nhân (POB) quy mô vừa và nhỏ.

Chúng tôi cho rằng, lợi nhuận cải thiện sẽ giúp các ngân hàng bổ sung vốn để hỗ trợ tăng trưởng cho vay và duy trì bộ đệm vốn ổn định. Tỷ lệ nợ xấu và diễn biến trên thị trường bất động sản là những yếu tố chính cần theo dõi liên quan chất lượng tài sản trong thời gian tới.

* Trân trọng cảm ơn bà!

Minh Phạm (Thực hiện)