Nỗ lực phát triển BHYT bền vững vì sức khỏe toàn dân
Để đảm bảo an sinh xã hội, góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính của người dân khi ốm đau, thực hiện tốt việc bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, Đảng ủy, chính quyền nhân dân tỉnh Điện Biên đã xác định công tác BHYT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Nhờ triển khai thực hiện có hiệu quả, nhận thức của người dân có nhiều thay đổi, công tác KCB cho người có thẻ BHYT được cải thiện, số người tham gia cũng tăng bền vững, tiến nhanh đến mục tiêu BHYT toàn dân.
Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) về Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới, tỉnh Điện Biên đã đạt nhiều kết quả tích cực; góp phần củng cố và phát triển mạng lưới KCB tại các tuyến; chất lượng nhân lực y tế được cải thiện, số lượng cán bộ có trình độ đại học và sau đại học được tăng lên.
Tính đến 31/12/2023, tổng số nhân lực y tế toàn tỉnh là 3.837 người (bao gồm công lập và dân lập). Trong đó, cán bộ y tế công lập của ngành Y tế là 3.201 người; cán bộ y tế trường học là 333 người; hành nghề y tư nhân là 144 người; hành nghề kinh doanh dược tư nhân là 159 người. Trung bình toàn tỉnh có 12,53 bác sĩ/vạn dân (tăng 2,15 lần so với năm 2009, năm ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW); dược sĩ đại học 2,19 dược sĩ/vạn dân (tăng 3,91 lần so với năm 2009); trạm Y tế cấp xã có bác sĩ là 129/129, đạt 100%,… Toàn tỉnh có 139 cơ sở KCB thực hiện ký hợp đồng KCB BHYT. Số giường bệnh đã đạt 32,2 giường bệnh/vạn dân (tăng 1,24 lần so với năm 2009).
Đến nay, hầu hết các bệnh viện đã củng cố, sắp xếp lại các khoa, phòng, tăng cường nhân lực tại các khâu tiếp đón, khám bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, thu viện phí, cấp phát thuốc; công khai thời gian, quy trình khám bệnh, bảng giá viện phí, đối tượng ưu tiên, có sơ đồ khoa KCB. Các cơ sở KCB đã triển khai áp dụng công nghệ thông tin trong KCB và thanh quyết toán BHYT (cài đặt VssID, phối hợp cùng cơ sở KCB xử lý các vướng mắc khi người dân tham gia BHYT sử dụng thẻ BHYT trên Hệ thống VssID; thực hiện truyền thông đến người tham gia BHYT về việc sử dụng CCCD gắn chíp để KCB BHYT. Qua đó, thực hiện quản lý KCB tốt hơn và giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh và người nhà bệnh nhân trong thực hiện các thủ tục KCB, nhập viện, ra viện và thanh toán chi phí KCB.
Các cơ sở KCB tăng cường việc tiếp nhận và xử lý các ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng KCB thông qua đường dây nóng; xây dựng phong cách, thái độ phục vụ văn minh, thân thiện theo đúng khẩu hiệu “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở; bệnh nhân ở chăm sóc tận tình; bệnh nhân về dặn dò chu đáo”. Đặc biệt, kiên quyết xử lý nghiêm đối với những cán bộ y tế có hành vi ứng xử không tốt, có dấu hiệu tiêu cực, gây phiền hà cho người bệnh. Công tác quản lý các hoạt động KCB BHYT luôn được quan tâm chỉ đạo và thực hiện đầy đủ; số lượt người bệnh đi KCB BHYT đều tăng qua các năm.
Nếu như năm 2009, toàn tỉnh thực hiện KCB cho 636.682 lượt người với số tiền quỹ BHYT chi trả là 75,6 tỷ đồng thì đến hết năm 2023, toàn tỉnh thực hiện KCB cho 751.887 lượt người với số tiền quỹ BHYT chi trả là 531,7 tỷ đồng (tăng 1,18 lượt người với số tiền tăng 7,03 lần). Công tác phát triển người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả.
Số lượng người tham gia BHYT qua các năm đều đạt chỉ tiêu về độ bao phủ BHYT tính trên dân số. Tính đến hết năm 2023, số người tham gia BHYT là 618.753 người, độ bao phủ BHYT là 96%. Ước năm 2024, số người tham gia BHYT là 633.916 người, độ bao phủ BHYT là 97%. Công tác quản lý Nhà nước về BHYT và quản lý Quỹ BHYT trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT.
Có thể khẳng định, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, Điện Biên đã đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Những chuyển biến tích cực trên địa bàn tỉnh Điện Biên sẽ là tiền đề quan trọng để Điện Biên tiến tới BHYT toàn dân, góp phần đảm bảo An sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ngọc Hà