Print

Singapore: Số người cao tuổi sống một mình tăng hơn gấp đôi trong 10 năm qua

Thứ Sáu, 02 /08/2024 16:43

Dữ liệu từ Báo cáo Xu hướng Hộ gia đình do Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội Singapore công bố cho thấy, năm 2023, số người cao tuổi sống một mình là 78.135 người, chiếm 11% số người từ 65 tuổi trở lên- con số này tăng gấp đôi so với năm 2013 (35.160 người).

Nhìn chung, số lượng người cao tuổi Singapore từ 65 tuổi trở lên đã tăng đáng kể trong 10 năm qua, từ 413.117 người (năm 2013) lên 708.656 vào năm 2023; hơn 80% những người này sống với vợ/chồng và con cái hoặc với vợ/chồng/con cái của họ.

Người cao tuổi sống một mình chiếm khoảng 11% số người từ 65 tuổi trở lên. Người cao tuổi sống chung với vợ/chồng nhưng không có con cũng tăng từ 92.212 người (năm 2013) lên 196.986 người vào năm 2023, cũng tăng hơn gấp đôi, chiếm khoảng 10% số người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên. Ngoài ra, năm 2023, số cặp đôi mới cưới giảm 3,7%, trong khi số cặp ly hôn tăng nhẹ 0,2%.

Đại diện Đại học Quản lý Singapore cho biết, ngoài người cao tuổi sống một mình, thì số người cao tuổi có vợ/chồng nhưng không có con cái sống chung cũng tăng lên đáng kể trong những năm gần đây- đây cũng là vấn đề cần lưu ý, quan tâm xem liệu họ đã nhận được sự hỗ trợ đầy đủ hay chưa. Thông thường, người cao tuổi độc thân, không có con hoặc không sống cùng con cái thường bị coi là “thiếu sự hỗ trợ của gia đình”, song thực tế không hẳn là vậy. Vì ngoài nhóm thành viên trong gia đình cùng huyết thống, họ còn có những nhóm người thân thiết khác như họ hàng; bạn bè; cựu đồng nghiệp/đồng nghiệp hay hàng xóm lâu năm.

Do đó, các chuyên gia tư vấn, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có thể tiếp tục thiết kế môi trường sống cho người cao tuổi sống một mình theo hướng xây dựng không gian chung; thúc đẩy sự trao đổi và liên lạc giữa mọi người trong cộng đồng; khuyến khích mọi người quan tâm đến người cao tuổi để họ không bị mất kết nối xã hội và có điều kiện duy trì một cuộc sống lành mạnh. “Kinh tế- xã hội Singapore vẫn đang phát triển nhanh chóng, kéo theo cơ cấu nhân khẩu học đang thay đổi. Singapore sắp bước vào một xã hội siêu già. Tuy nhiên, bây giờ hành động vẫn chưa muộn, có thể tuyên truyền về ảnh hưởng của dân số già tới nhiều khu dân cư khác nhau, thậm chí có thể định hướng để các khu dân cư trở thành phiên bản hiện đại của “thôn quê” (kampong)” với đặc trưng là “tình làng nghĩa xóm””- Đại diện Đại học Quản lý Singapore nhấn mạnh.

Vào tháng 11/2023, Bộ Y tế Singapore đã chính thức triển khai Chương trình Age Well SG và phân bổ 32,527 triệu đô-la Singapore trong 5 năm để mở rộng hoạt động tại các Trung tâm người cao tuổi đang hoạt động. Một trong những ưu tiên là giúp người cao tuổi năng động hơn và kết nối hơn với xã hội, để họ không cảm thấy lạc lõng, cô đơn. Nhiều Trung tâm người cao tuổi ở Singapore cũng rất chủ động để nâng cấp dịch vụ, bao gồm huy động thêm nhiều nhân viên, tình nguyện viên để chăm sóc người cao tuổi, đặc biệt là những người người cao tuổi sống một mình.

Tùng Anh (Theo AsiaOne)