Trao quyền cho thanh niên trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN an toàn, bền vững và hòa nhập
Sáng 5/8, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Việt Nam đã tham dự cuộc họp trực tuyến tư vấn lần thứ nhất của Nhóm Nghị sĩ trẻ Hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), với chủ đề “Trao quyền cho thanh niên trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN an toàn, bền vững và hòa nhập”.
Phát biểu tại cuộc họp, bà Thái Quỳnh Mai Dung- Phó Chủ tịch Nhóm ĐBQH trẻ của Quốc hội Việt Nam cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể tạo điều kiện thuận lợi cho tương lai của thế hệ trẻ trong ASEAN, trong đó đã phối hợp với các bộ, cơ quan của Chính phủ đề xuất, thực hiện và giám sát các luật, chính sách nhằm giúp thanh niên phát triển toàn diện và huy động sự tham gia của thanh niên trong mọi hoạt động.
"Việc thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi) là một trong những bước tiến lớn nhất của Việt Nam trong việc bảo đảm vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của thanh niên trong quá trình phát triển đất nước"- bà Thái Quỳnh Mai Dung nhấn mạnh.
Cũng theo bà Dung, trong Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Chính phủ Việt Nam cũng đã đề ra nhiều chính sách phát triển thanh niên toàn diện như: Giáo dục, đào tạo nghề, việc làm, văn hóa, y tế và kỹ năng sống, để tạo nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đồng thời, tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức cũng đã thông qua Tuyên bố, trong đó nhấn mạnh vai trò của thanh niên trong việc đẩy nhanh thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số; đồng thời thúc đẩy tôn trọng sự đa dạng văn hóa để hỗ trợ phát triển bền vững.
Trong thời gian qua, Nhóm Nghị sĩ trẻ Việt Nam đã có nhiều đóng góp vào việc thúc đẩy các nghị sĩ trẻ phát huy tài năng, trí tuệ, niềm đam mê và đóng góp nhiều hơn nữa cho các quyết sách quan trọng của Quốc hội Việt Nam.
Đáng chú ý, Nhóm đã cải thiện năng lực cho các nghị sĩ trẻ, tích cực tham gia vào các hoạt động đối ngoại để trao đổi thông tin và kinh nghiệm với nghị sĩ trẻ của các quốc gia khác về các vấn đề chung của khu vực và toàn cầu. Đồng thời, các nghị sĩ trẻ Việt Nam cũng tích cực tham gia vào các hoạt động ngoại giao nghị viện, đóng góp những ý kiến thiết thực và có ý nghĩa cho các diễn đàn song phương và đa phương.
Đặc biệt, tại AIPA-41 (diễn ra vào tháng 9/2020 tại Việt Nam), các nghị sĩ trẻ Việt Nam đã đề xuất sáng kiến Nhóm nghị sĩ trẻ không chính thức lần đầu tiên trong khuôn khổ AIPA, khẳng định sự tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm của các nghị sĩ trẻ Việt Nam vào phát triển thanh niên trong khu vực.
Các sáng kiến này đã nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ và được coi là một yếu tố mới trong việc xây dựng cơ chế Nhóm nghị sĩ trẻ AIPA tại AIPA-43 diễn ra tại Campuchia vào tháng 11/2022. “Việc trao quyền cho thanh niên để phát huy hết tiềm năng và nhấn mạnh vị thế của thanh niên với tầm nhìn sau năm 2025 là rất quan trọng, nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN an toàn, bền vững và hòa nhập”- bà Dung khẳng định.
Cũng theo bà Dung, Quốc hội Việt Nam đưa ra một số khuyến nghị và cam kết cùng với các thành viên AIPA phát huy vai trò lập pháp và giám sát của các nghị sĩ trẻ. Cụ thể, cần tăng cường hơn nữa sự hợp tác, cơ chế liên kết và mạng lưới của Nhóm nghị sĩ trẻ AIPA; tăng cường hợp tác và trao đổi giữa các nghị sĩ trẻ để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau, tạo mạng lưới hợp tác và liên kết giữa các nghị sĩ trẻ.
Cùng với đó, cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm lập pháp, đặc biệt là các luật liên quan đến sự phát triển thanh niên, sự tham gia của thanh niên và các vấn đề như biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, an ninh mạng, chuyển đổi năng lượng. Đồng thời, các thành viên AIPA cần phân bổ nhiều nguồn lực hơn để nâng cao năng lực của các nghị sĩ trẻ trong việc thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Vũ Thu