Print

Phấn đấu đạt thành quả nhiều hơn, bao trùm, toàn diện hơn

Thứ Hai, 05 /08/2024 13:55

Sáng 5/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024, thảo luận nhiều nội dung quan trọng.

Triển khai đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách lương hưu, trợ cấp BHXH

Các báo cáo, ý kiến phát biểu tại phiên họp thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng tích cực trong cả 3 khu vực. Khu vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định. Khu vực công nghiệp phục hồi tốt, tháng 7 tăng 0,7% so với tháng 6 và tăng 11,2% so với cùng kỳ; tính chung 7 tháng tăng 8,5%. Có 60/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng so với cùng kỳ, trong khi có 3 địa phương giảm. Đặc biệt, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7/2024 đạt 54,7 điểm- cao nhất kể từ tháng 11/2018 với sản lượng, đơn hàng mới tăng mạnh.

Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 9,4%, 7 tháng tăng 8,7%. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng tăng 4,12%, tăng 0,04% so với tháng 6 (lạm phát cơ bản tăng 2,73%, tăng 0,02% so với tháng 6) trong bối cảnh tăng lương cơ bản. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo đạt 5,18 triệu tấn, kim ngạch gần 3,3 tỷ USD, tăng lần lượt 5,8% và 25,1% so với cùng kỳ); thị trường lao động phục hồi tốt, cơ bản bảo đảm cân đối cung cầu lao động.

Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Xuất khẩu tháng 7 tăng 6,7% so với tháng 6 và 19,1% so với cùng kỳ; tính chung 7 tháng tăng 15,7% (khu vực trong nước tăng 21,1%, cao hơn khu vực FDI tăng 13,8%); nhập khẩu tăng 18,5%; xuất siêu 14,08 tỷ USD. Thu NSNN tăng mạnh, tình hình tài chính-NSNN tiếp tục được cải thiện. Tổng NSNN 7 tháng ước đạt 69,8% dự toán năm, tăng 14,6% so với cùng kỳ (trong khi đã thực hiện miễn, giảm 87.200 tỷ đồng thuế, phí, lệ phí). Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách được kiểm soát thấp hơn giới hạn quy định.

Du lịch phục hồi mạnh, vượt cùng kỳ trước đại dịch. Khách quốc tế tháng 7 đạt 1,15 triệu lượt; tính chung 7 tháng đạt gần 10 triệu lượt, tăng 51% so với cùng kỳ 2023 và tăng 1,9% so với cùng kỳ 2019 trước khi có đại dịch COVID-19. Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đạt 34,68% kế hoạch. Thu hút FDI đạt 18 tỷ USD, tăng 10,9%; vốn FDI thực hiện đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4%, cao nhất trong 5 năm qua. Phát triển DN tiếp tục xu hướng tích cực. Tháng 7 có 14.700 DN đăng ký thành lập mới, tăng 7,3% so với cùng kỳ; tính chung 7 tháng có 139.500 DN thành lập mới và tái gia nhập thị trường, tăng 5,9% so với cùng kỳ (cao hơn số DN rút lui khỏi thị trường).

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm. Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Triển khai đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội theo tiền lương mới từ ngày 1/7/2024. Tổng số kinh phí trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng thêm hơn 5.300 tỷ đồng. Trong tháng 7 có 95,8% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ. Thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ tháng 7/2024 nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước.

Tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại phiên họp; đồng thời nhấn mạnh thêm một số nội dung về công tác chỉ đạo, điều hành và những kết quả đạt được trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm.

Theo Thủ tướng, trong tháng 7, Chính phủ đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chu đáo, an toàn, thể hiện tình cảm sâu nặng và biết ơn sâu sắc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đối với đồng chí. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, các cấp, các ngành, các địa phương đã tập trung triển khai chủ động, quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, cảm ơn, biểu dương, đánh giá cao các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đã nỗ lực, cố gắng, các cơ quan trong hệ thống chính trị đã phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả, góp phần vào những thành tựu chung của cả nước. Đồng thời, Thủ tướng dự báo bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đồng thời thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao hơn, kiểm soát tốt nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia. Theo đó, quan điểm chỉ đạo chung là tháng sau đạt kết quả cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, thành quả năm 2024 nhiều hơn, bao trùm hơn, toàn diện hơn năm 2023.

Vì thế, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành và Chủ tịch UBND các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền bám sát tình hình, tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết của Đảng, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt, các nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, cần làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời hạn, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả", tăng cường giám sát, kiểm tra, triển khai thi đua khen thưởng, xử lý vi phạm kịp thời.

Cùng với đó, chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân. Bộ NN&PTNT, Bộ TN-MT và các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, bão lũ, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại; không để ai không có chỗ ở, không để ai bị đói, bị rét. Làm tốt công tác hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai; bảo đảm xuất cấp gạo kịp thời hỗ trợ kịp thời, không để ai bị đói.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, các mô hình hay, cách làm tốt, góp phần tạo đồng thuận xã hội và khí thế phấn khởi, nỗ lực phấn đấu vươn lên của toàn xã hội.

Minh Đức