Niềm yêu với an sinh
Những ngày tháng 7/2024, chúng tôi đến huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), cũng là thời gian cao điểm huyện đảo đón du khách với trời yên biển lặng, nước biển trong veo. Cũng bởi vậy, cái nắng nóng cao điểm mùa Hè của miền Trung vẫn không ngăn được sự hào hứng của du khách đến với vùng đất nơi trùng khơi này. Lý Sơn cách đất liền khoảng 30km, với dân số khoảng 23.000 người. Hiện nay, người dân nơi đây được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí tham gia BHYT, vì vậy trong việc thực hiện an sinh xã hội, địa phương chủ yếu dốc sức tăng độ bao phủ BHXH.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Dương- Giám đốc BHXH huyện Lý Sơn cho biết, đến giữa tháng 7/2024, huyện có 920 người tham gia BHXH bắt buộc, chủ yếu là CBCC trong các cơ quan nhà nước. Do trên địa bàn có rất ít DN, nên địa phương tập trung phát triển BHXH tự nguyện, song việc này cũng gặp không ít khó khăn, do thu nhập của nhiều người dân còn thấp, nhận thức còn hạn chế nên chưa quan tâm tham gia BHXH… “BHXH huyện Lý Sơn đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể, tổ chức dịch vụ thu và địa phương tuyên truyền đến từng thôn để phát triển BHXH tự nguyện…”- ông Dương nhấn mạnh.
Đáng mừng là, người dân Lý Sơn ngày càng hiểu rõ và tích cực tham gia BHXH tự nguyện. Vì vậy, tính đến giữa tháng 7/2024, toàn huyện đã có 720 người tham gia chính sách này. Tại hội nghị tuyên truyền nhóm nhỏ mới đây, ngư dân Nguyễn Ngọc Khánh đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện với lý do “nghề cá có những rủi ro nhất định”. Ngư dân Khánh cho biết, sau hội nghị, anh dự định tham gia BHXH tự nguyện cho vợ là chị Lê Thị Thảo, nhưng không ngờ vợ cũng đã “âm thầm” tham gia BHXH tự nguyện từ hơn một năm trước.
Theo ông Lê Văn Ninh- Trưởng BCĐ huyện Lý Sơn, để có được kết quả này, trước hết phải kể đến sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND, UBND và BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT huyện. Đáng chú ý, đầu tháng 7/2024, BCĐ huyện đã có công văn yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên và NLĐ tích cực vận động hoặc chủ động tham gia BHXH tự nguyện cho người thân, để góp phần lan tỏa chính sách. Trước đó, cách làm này cũng đã được thực hiện từ năm 2023 và cho kết quả tích cực. Cụ thể, tính đến nay, đội ngũ CBCC đã tham gia BHXH tự nguyện cho hơn 220 người thân.
“Hiện nay, lương cơ sở tăng lên, mức hưởng cũng tăng theo. Ngoài ra, thời gian tham gia BHXH giảm xuống còn 15 năm, cũng tạo điều kiện rất thuận lợi cho người tham gia. Với những kết quả đạt được, huyện Lý Sơn đặt mục tiêu bao phủ BHXH ở đảo Bé vào năm 2025 và tiến tới bao phủ BHXH toàn dân ở huyện Lý Sơn. Huyện xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, vì vậy yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần quan tâm thực hiện, để chính sách BHXH sớm đi vào cuộc sống…”- ông Ninh cho biết thêm.
Hưởng ứng tinh thần trên, mới đây, anh Lưu Tấn Tâm- cán bộ TAND huyện Lý Sơn đã tham gia BHXH tự nguyện cho vợ và 2 con trai. “Vợ tôi sinh năm 1971, nên dự kiến khi hết tuổi lao động sẽ đến thời điểm hưởng lương hưu, còn 2 người con thì mình tham gia BHXH ngay từ bây giờ để tích lũy thời gian tham gia BHXH cho sau này”- anh Tâm chia sẻ.
Đảo Bé trước đây là xã đảo An Bình. Từ khi huyện Lý Sơn thay đổi mô hình hành chính không còn đơn vị cấp xã, thì đảo Bé có tên là thôn An Bình. Hòn đảo nhỏ xinh đẹp này có vẻ đẹp thơ mộng với những bãi biển trong xanh, đá trầm tích núi lửa có từ hàng triệu năm trước. Những hộ dân làm nghề biển trên đảo Bé đã tranh thủ kết hợp làm du lịch để phát triển kinh tế. Những ngư dân vốn có tiếng giỏi bơi, lặn đã hòa nhập rất nhanh, tham gia các hợp tác xã du lịch như: Đội thúng, đội lặn, đội xe điện…
Trong chuyến đi tuyên truyền tại đảo Bé cùng cán bộ BHXH huyện Lý Sơn, chúng tôi gặp anh Lê Đại- vốn là một ngư dân đang phụ vợ bán quán nước. Cách đây một tháng, anh Đại tham dự buổi truyền thông nhóm nhỏ và đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện cho hai vợ chồng. Gặp cán bộ BHXH, anh Đại rất vui và bày tỏ mong muốn tham gia BHXH tự nguyện cho hai người con, trong đó có con gái lớn đang đi làm trong đất liền.
Theo anh Đại, vợ chồng anh làm thêm du lịch và có thu nhập ổn định, nên coi việc đóng BHXH tự nguyện như “của để dành” cho các con. Vừa tiếp chuyện chúng tôi, anh Đại vừa hào hứng gọi điện cho con gái. Khi biết con vừa được công ty đóng BHXH bắt buộc, nên anh quyết định đăng ký tham gia BHXH tự nguyện cho người con còn lại. “Cả nhà tôi đều tham gia BHXH hết rồi, như vậy sau này sẽ có lương hưu…”- anh Đại bộc bạch.
Anh Võ Minh Quang cũng là ngư dân, kiêm tài xế xe điện chuyên đưa khách tham quan trên đảo Bé. Theo anh Quang, từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm trời nắng và biển lặng, là thời điểm lý tưởng để du khách thăm đảo; và đây cũng là mùa làm du lịch của những ngư dân trên đảo. Còn từ tháng 9 đến tháng 12 vào mùa mưa bão, biển động mạnh, nên hoạt động du lịch phần lớn tạm ngừng. Riêng với đảo Bé, có những thời điểm sóng to gió lớn, nên bị cô lập hoàn toàn với đảo lớn và đất liền… Vì vậy, khi được tư vấn, anh Quang không ngần ngại tham gia ngay BHXH tự nguyện cho cả hai vợ chồng. “Mình tranh thủ lúc còn làm ra tiền thì tham gia, để sau này có tiền lương hưu dưỡng già”- anh Quang trải lòng.
Với anh Hòa- thành viên đội cano chở khách, sau thời gian suy nghĩ khá lâu, mới quyết định tham gia BHXH tự nguyện. “Tôi nghĩ kỹ lắm rồi, giờ mình làm ra tiền có đồng vô đồng vào, nhưng đầu tư cái gì cũng khó, gửi ngân hàng lời cũng không bao nhiêu. Vì vậy, đóng BHXH tự nguyện cũng là một cách đầu tư, để về sau có lương hưu và thảnh thơi cuộc sống”- anh Hòa tự tin nói sau khi đã hiểu rõ về chính sách.
Theo lãnh đạo UBND huyện Lý Sơn, chủ trương của huyện là sẽ nỗ lực hoàn thành mục tiêu BHXH toàn dân trên đảo, trong đó lấy đảo Bé làm điểm về BHXH toàn dân, nhằm lan tỏa chính sách trên toàn huyện đảo. Hiện tại, đảo Bé đã có 70 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt khoảng 60% tổng số người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH tự nguyện. Đây là cơ sở để chính quyền và các ngành chức năng tự tin thực hiện mục tiêu bao phủ BHXH trên toàn đảo Bé vào năm 2025.
Thực hiện: Trần Đức
Trình bày: Hà Hùng