Print

Phim nhựa- di sản tư liệu cần bảo tồn

Thứ Ba, 06 /08/2024 09:21

Hiện hữu từ buổi sơ khai của điện ảnh, những cuốn phim nhựa ghi dấu không chỉ một thời kỳ lịch sử làm phim, mà còn là đời sống, con người giai đoạn đó. Đây chính là những di sản tư liệu quý giá cần phải bảo tồn.

Tham dự cuộc đối thoại “Điện ảnh là di sản, rồi sao?” vừa được tổ chức tại Hà Nội, NSND Lan Hương xúc động kể lại kỷ niệm thời làm phim nhựa cách nay đã mấy chục năm: “Trở về Sam Sao là bộ phim đầu tiên tôi tiếp cận điện ảnh. Ngày xưa, chúng tôi làm phim không có nhiều thiết bị chuyên dụng như bây giờ. Tôi nhớ mãi việc phải học thoại và được đạo diễn hướng dẫn cặn kẽ, chi tiết và cùng tôi tập luyện để diễn chính xác rồi mới bấm máy…”.

Cũng theo NSND Lan Hương, hồi đó, để quay được một cảnh phim, cần phải quay từ sáng đến chiều mới xong. Nếu muốn quay những cảnh trên cao, nhà quay phim phải tìm một thân cây cao gần đó, trèo lên, rồi bắt máy từ trên ngọn cây xuống. Đặc biệt, việc chờ đợi in tráng phim là ký ức không thể nào quên. Khi quay xong, cả đoàn sẽ phải chờ đợi một tuần để tráng phim, và lần nào ít cảnh hỏng là cả đoàn vui sướng vỡ òa.

Khó khăn vất vả là thế, nhưng chính những thước phim nhựa đó đã ghi lại những giá trị lịch sử của thời bấy giờ. Nếu không có những thước phim đó, thế hệ trẻ không thể hiểu về lịch sử, cuộc sống thời xưa như thế nào. Từ câu chuyện này, NSND Lan Hương cho rằng, phim nhựa nói riêng, điện ảnh nói chung chắc chắn là di sản mà chúng ta cần bảo tồn, nếu để những cuốn phim hỏng sẽ thực sự vô cùng đáng tiếc.

Chung quan điểm, NSƯT Đỗ Kỷ cho rằng, hình ảnh trong ký ức nếu không được lưu giữ bằng chất liệu phim ảnh, thì thế hệ sau không thể hình dung được. Chẳng hạn như hình ảnh của Hà Nội những năm 1970-1990, rồi hình ảnh cây rơm, cây rạ trước sân nhà ngày xưa mà nếu không có điện ảnh, giới trẻ ngày nay không thể hình dung nổi...

TS.Vũ Thị Minh Hương- Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia tỏ ra tiếc nuối khi Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, nhưng trong số đó lại chưa có cuốn phim điện ảnh nào. Trong khi đó, những cuốn phim không chỉ hàm chứa câu chuyện nhà làm phim muốn thể hiện, mà còn phản ánh đời sống lịch sử Việt Nam giai đoạn đó, từ trang phục, bối cảnh, nhà cửa, rừng núi, âm nhạc, lời thoại… “Nếu như chúng ta giữ được phim điện ảnh, thì đó là tư liệu quý về nghiên cứu lịch sử, văn hóa, dân tộc học” - TS.Hương nhận định.

TS.Vũ Thị Minh Hương cũng gợi ý, khi Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được thông qua, sẽ có nghị định quy định chi tiết một số điều và thông tư hướng dẫn các cơ sở đang quản lý tư liệu chứa vật thông tin trên bất kỳ vật thể, chất liệu nào có thể xây dựng hồ sơ trình Chương trình Ký ức thế giới để xem xét ghi danh. Đáng chú ý, Viện Phim Việt Nam đang quản lý nhiều tác phẩm điện ảnh do Hãng Phim truyện Việt Nam và các hãng phim khác sản xuất- đây có thể là tiềm năng của di sản tư liệu.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng lên tiếng về việc cần duy trì sản xuất phim nhựa. Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải cho biết, hiện nay ở nước ta dường như không thấy sự tồn tại của phim nhựa và thực trạng này hoàn toàn khác so với ở Mỹ. “Kỹ thuật số Mỹ phát triển đầu tiên, nhưng họ vẫn rất tôn trọng phim nhựa và được sử dụng liên tục. Tỷ lệ phim nhựa ở Mỹ không quá cao, nhưng phần lớn các phim quay bằng phim nhựa đều được đề cử ở các giải thưởng lớn. Trong hạng mục đề cử phim xuất sắc nhất tại giải Oscar 2020, phim nhựa chiếm tới 52%. Ở LHP Cannes 2024, có 9 phim đạt giải được quay bằng phim nhựa, trong đó có giải thưởng cao nhất là giải Cành cọ Vàng” - NSƯT Bùi Trung Hải chia sẻ.

Minh Anh