Tăng cường chống hàng giả trên môi trường thương mại điện tử
Chống hàng giả trên thương mại điện tử (TMĐT) tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của lực lượng Quản lý thị trường (QLTT), nhằm triển khai có hiệu quả Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 về việc phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025.
Theo Tổng cục QLTT, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Tổ TMĐT (Tổng cục QLTT) phát hiện Tổng kho màn hình Oledpro trên Shopee có dấu hiệu vi phạm. Tại địa chỉ số 22 phố Cầu Đất (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Tổ TMĐT đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với ông Ng.C.Ph (sinh năm 1998, quê quán Hà Nam). Theo đó, địa chỉ này là một tòa nhà, đối tượng thuê một căn để làm điểm chứa trữ kinh doanh hàng hóa.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác nhận, ông Ng.C.Ph kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh, nhưng lại chưa có GCN đăng ký hộ kinh doanh theo quy định. Cơ sở của ông Ph. chủ yếu kinh doanh màn hình và camera hành trình sử dụng trên xe ô tô với các nhãn hiệu như: Oledpro, X7 Metal Shell; tuy nhiên trên nhãn không thể hiện nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa; không thể hiện tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa.
Tại hiện trường, đoàn kiểm tra ghi nhận 34 màn hình sử dụng trên xe ô tô các nhãn hiệu: Oledpro X4s, Oledpro X8s, Oledpro A5, Oledpro seri X4, Oledpro seri X5s và 95 chiếc camera hành trình ô tô nhãn hiệu X7 Metal Shell. Lô hàng có trị giá theo niêm yết trên 130 triệu đồng. Toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Làm việc với đoàn kiểm tra, ông Ph. khai nhận toàn bộ hàng hóa được cơ sở mua trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không biết rõ họ tên, địa chỉ người bán.
Liên quan đến kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về TMĐT, đoàn kiểm tra đã xác định, cá nhân ông Ph. sử dụng link tài khoản Shopee với tên gọi DC Auto 9 với trên 5.000 người theo dõi để đăng bán các sản phẩm là màn hình ô tô Oledpro và camera hành trình. Bên cạnh việc bán hàng trên Shopee, chủ cơ sở cũng kinh doanh trực tiếp số lượng lớn hàng hóa tại địa chỉ số 22 phố Cầu Đất (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản tạm giữ, niêm phong toàn bộ số hàng hóa nêu trên để xử lý theo quy định pháp luật. Đồng thời, lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Ng.C.Ph về các hành vi: Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đoàn kiểm tra đề nghị Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT ban hành quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên, chuyển về kho tang vật của Cục Nghiệp vụ để bảo quản; tiếp tục thẩm tra, xác minh và làm việc với Shopee để xác định liên quan giữa ông Ng.C.Ph. với tài khoản Tổng kho màn hình Oledpro mà ông phủ nhận để làm cơ sở xử lý theo quy định.
Đây chỉ là một trong số các vụ việc vi phạm trên TMĐT do lực lượng chức năng phát hiện, xử lý trong thời gian qua. Ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, song song với sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT, đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, lợi dụng TMĐT để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuyên truyền và phổ biến các sản phẩm cấm, có cả những sản phẩm xâm phạm đến chủ quyền, an ninh quốc gia... Đáng chú ý, các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.
Báo cáo mới nhất từ Bộ Công Thương cũng cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2024, lực lượng QLTT cả nước đã xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, làm tốt công tác quản lý địa bàn, chú trọng kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc dư luận xã hội.
Trong khi đó, theo báo cáo nhanh của lực lượng QLTT cả nước, từ ngày 15/6/2024 đến ngày 14/7/2024, lực lượng đã phát hiện, xử lý 3.937 vụ vi phạm; thu nộp NSNN trên 39 tỷ đồng. Lũy kế 7 tháng năm 2024 (từ 15/12/2023 đến 14/7/2024), lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý 30.070 vụ vi phạm, thu nộp NSNN 338 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa tịch thu 124 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy 159 tỷ đồng.
Ông Đỗ Hồng Trung- Phó Chánh Văn phòng (Văn phòng Thường trực BCĐ 389 Quốc gia) cho biết, các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên TMĐT có chiều hướng gia tăng, phức tạp. Chống hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ trong hoạt động TMĐT, thương mại truyền thống là vấn đề nan giải mà các cấp, các ngành cần tích cực tập trung phòng chống.
Về giải pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm trên TMĐT, ông Phan Minh Nhựt- Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) cho rằng, cần thiết lập bộ lọc, gỡ bỏ sản phẩm vi phạm, điều tra xử lý các đối tượng vi phạm trọng điểm. Đặc biệt, giải pháp căn cơ nhất là định danh người bán qua TMĐT.
Dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong những tháng cuối năm vẫn diễn biến phức tạp, lãnh đạo Tổng cục QLTT cho biết, lực lượng sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia và Bộ Công Thương về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các mặt hàng trọng tâm, địa bàn trọng điểm...
"Trong những tháng cuối năm, chống hàng giả trên TMĐT tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng, nhằm triển khai có hiệu quả Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 về việc phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025. Cùng với đó, chủ động nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách, kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn, xử lý"- lãnh đạo Tổng cục QLTT nhấn mạnh.
Đặc biệt, theo đại diện QLTT, lực lượng này cũng sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương và các lực lượng chức năng (Công an, Hải quan, Thuế, Bộ đội Biên phòng, Thanh tra) trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin với các DN, hiệp hội ngành hàng để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Hà Thủy