Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: “Qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai”
Chuyên gia cho rằng, hiện nay thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn gặp nhiều thách thức. Và, để đạt mục tiêu nâng quy mô thị trường lên 20% GDP vào năm 2025, cần kỷ luật thị trường, vì đây là yếu tố tiên quyết để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Đình Duy, CFA, Giám đốc- Chuyên gia phân tích cao cấp, CTCP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) đã chia sẻ về những khó khăn của thị trường TPDN và giải pháp khơi thông thị trường này.
Ông Nguyễn Đình Duy- Chuyên gia phân tích cao cấp của VIS Rating
* PV: Thị trường TPDN đã trải qua giai đoạn phát triển “nóng” và hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Theo ông, đâu là những thách thức căn bản nhất?
- Ông Nguyễn Đình Duy:
Thị trường TPDN đã trải qua giai đoạn khủng hoảng chậm trả gốc/lãi trái phiếu, gây mất niềm tin đối với nhà đầu tư. Vì thế, đứng trên góc độ đơn vị xếp hạng tín nhiệm DN và công cụ nợ, chúng tôi nhận thấy thách thức từ lượng trái phiếu đang gặp tình trạng chậm trả chưa giải quyết.
Theo ước tính của VIS Rating, hiện tại tổng dư nợ trái phiếu có trạng thái chậm trả là khoảng 180 nghìn tỷ đồng. Mặc dù các tổ chức phát hành (TCPH) đã nỗ lực trong việc đàm phán xử lý với các trái chủ, nhưng phương án xử lý chủ yếu vẫn là gia hạn trái phiếu thêm 2 năm. Như vậy, đến khi hết thời gian gia hạn áp lực trả nợ gốc, sẽ quay trở lại và gây ra thiệt hại cho trái chủ.
Bên cạnh đó, trong năm 2024 và 2025, lượng TPDN đáo hạn cũng tương đối lớn, khoảng gần 500 nghìn tỷ đồng, trong đó trái phiếu của các DN bất động sản chiếm gần một nửa. Trong bối cảnh việc phát hành mới đang gặp nhiều khó khăn, thì áp lực phải trả nợ gốc đáo hạn này cũng là một thách thức đáng kể cho các TCPH, nhất là các TCPH có tỷ lệ đòn bẩy cao và đang bị thiếu hụt về dòng tiền ngắn hạn.
Ngoài ra, trong năm 2024 có những yếu tố bất ổn từ bên ngoài tác động vào như: Áp lực tăng tỷ giá USD hoặc rủi ro suy thoái kinh tế ở các nước phát triển sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô Việt Nam. Điều này có thể tác động tới môi trường lãi suất thấp hiện tại của Việt Nam và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các tổ chức phát hành TPDN.
* Như ông chia sẻ, một trong những áp lực trong năm 2024 là trả nợ gốc đáo hạn. Vậy, liệu DN có đủ “sức khoẻ” để chống chọi với những khó khăn này?
- Theo thống kê, lượng trái phiếu đáo hạn thực tế trong năm 2024 còn khoảng 234 nghìn tỷ đồng, trong đó 97 nghìn tỷ đồng đã đáo hạn trong 6 tháng đầu năm, còn lại 137 nghìn tỷ đồng dư nợ trái phiếu sẽ đáo hạn trong 6 tháng cuối năm. Nhóm ngành bất động sản dân cư có lượng đáo hạn lớn nhất (khoảng 55 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm). Con số này mặc dù thấp hơn so với năm 2023, nhưng cũng gây áp lực cho các DN bất động sản vốn đang gặp khó khăn về dòng tiền ngắn hạn.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, khả năng tiếp cận nguồn vốn mới của các DN bất động sản đang được cải thiện, nên sẽ giúp giảm áp lực trả nợ đáo hạn trái phiếu.
Thứ nhất, dư địa tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm của các ngân hàng thương mại còn rất lớn. Ước tính, với khoảng dư địa tăng trưởng 10% còn lại của năm 2024, các ngân hàng có thể tăng tín dụng thêm khoảng gần 1,4 triệu tỷ đồng.
Thứ hai, các luật về bất động sản có hiệu lực sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án và cải thiện nguồn cung bán hàng của chủ đầu tư. Các chủ đầu tư BĐS cũng có thể hoàn thiện pháp lý dự án, qua đó có thêm tài sản đảm bảo để tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng dễ dàng hơn.
* Chiến lược tài chính đặt ra mục tiêu quy mô thị trường TPDN đến năm 2025 là 20% GDP và đến năm 2030 đạt tối thiểu 25% GDP. Với thực trạng như hiện nay, theo ông, liệu có hoàn thành được mục tiêu?
- Quy mô thị trường TPDN hiện có khoảng 1,2 triệu tỷ đồng mệnh giá trái phiếu đang lưu hành, tương đương gần 11% GDP danh nghĩa của năm 2023. Theo định hướng của Chính phủ tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, quy mô tối thiểu của thị trường TPDN là 20% GDP vào năm 2025.
Như vậy, nếu thêm những biến số về tốc độ tăng trưởng GDP và lượng trái phiếu đáo hạn trong năm 2024-2025, thì có thể ước tính được dư địa tổng khối lượng phát hành mới TPDN trong 2 năm tới đây cần đạt là 2,1 triệu tỷ đồng, gấp 1,75 lần quy mô thị trường hiện tại. Tôi cho rằng, đây là một mục tiêu rất thách thức, bởi ngay cả trong giai đoạn TPDN tăng trưởng mạnh nhất, thì lượng phát hành mới cũng chỉ đạt gần 800 nghìn tỷ đồng/năm (năm 2021).
Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn, thì thông điệp từ Chính phủ cho thấy, mặc dù trải qua những trục trặc gần đây, nhưng TPDN vẫn được cơ quan quản lý định hướng là một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Hiện ở Việt Nam, DN vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng cho cả nhu cầu ngắn hạn và dài hạn. Nhu cầu huy động vốn cho sản xuất kinh doanh rất lớn, vì thế tôi cho rằng, để thị trường phát triển quy mô một cách bền vững, yếu tố thu hút người mua là nhà đầu tư sẽ rất quan trọng.
* Theo ông, để thị trường phát triển bền vững, thì vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân và nhà đầu tư sẽ như thế nào?
- Kỷ luật thị trường là yếu tố tiên quyết để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư. Kỷ luật thị trường đến từ tất cả các đối tượng tham gia thị trường và sự tham gia của cơ quan quản lý sẽ góp phần tăng cường yếu tố này, tạo một môi trường đầu tư lành mạnh sẽ thu hút được nhà đầu tư tham gia.
Trong đó, TCPH và các đơn vị trung gian đều phải hoạt động nhịp nhàng, thực hiện đúng chức năng, gia tăng tính minh bạch hoạt động. Đặc biệt, cơ quan quản lý cần đảm bảo hệ thống giao dịch vận hành ổn định, thực hiện đúng chế tài để xử lý các thành phần tham gia thị trường vi phạm quy định, duy trì một môi trường đầu tư tài chính lành mạnh.
Vấn đề tiếp theo là nhà đầu tư chuyên nghiệp dài hạn, đây là một “bệ đỡ” quan trọng giúp DN có thể huy động trái phiếu dài hạn. Nhà đầu tư chuyên nghiệp không chỉ đến từ nước ngoài, mà còn là các quỹ đầu tư, quỹ bảo hiểm, quỹ hưu trí nội địa.
Đồng thời, còn là vai trò của các đơn vị xếp hạng tín nhiệm TCPH và trái phiếu. Xếp hạng TCPH cung cấp đánh giá mang tính độc lập và khách quan về chất lượng tín dụng hoặc công cụ nợ của TCPH. Kết quả xếp hạng tín nhiệm TCPH sẽ giúp nhà đầu tư phân loại được đâu là DN có rủi ro cao khi cho vay và đâu là DN có rủi ro thấp hơn.
Chúng tôi kỳ vọng, các kết quả xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp hỗ trợ nhà đầu tư so sánh các công cụ nợ theo tiêu chí chất lượng tín dụng và ra quyết định đầu tư phù hợp.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Dương Trang (Thực hiện)