Print

Tỷ lệ thanh thiếu niên béo phì tăng vọt tại Mỹ

Thứ Năm, 08 /08/2024 07:41

Tình trạng béo phì ở thanh thiếu niên Mỹ đang tiến đến mức báo động, chiếm tới 21% số người trong độ tuổi 12-18.

Trên đây là kết luận của một nghiên cứu vừa được Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) công bố ngày 5/8. Các chuyên gia cho biết, thực trạng này ảnh hưởng đáng kể tới sức khỏe cũng như làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì và các bệnh liên quan khi trưởng thành. 

Thanh thiếu niên được xác định là béo phì khi có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn hoặc bằng 95 percentile (bách phân vị) theo tuổi và giới. Theo nghiên cứu, tình trạng béo phì nghiêm trọng đang ngày một gia tăng tại Mỹ, ảnh hưởng đến 7,6% số thanh thiếu niên nước này.

Nghiên cứu chỉ ra các yếu tố chính góp phần gây ra tình trạng béo phì là di truyền, môi trường và lối sống. Theo đó, yếu tố di truyền chiếm 40-70% nguy cơ béo phì, còn những người có lối sống, như sử dụng các thiết bị có màn hình quá nhiều (hơn 2 giờ/ngày) và ngủ ít, có nguy cơ thừa cân hoặc béo phì tăng tới 67%.

Béo phì là bệnh lý phức tạp, liên quan đến sự mất cân bằng giữa mức năng lượng nạp vào và mức năng lượng tiêu hao, chịu ảnh hưởng của các hormone tín hiệu (Leptin) có vai trò điều chỉnh cảm giác đói và no. Béo phì ở tuổi thanh thiếu niên liên quan đến nhiều biến chứng sức khỏe như kháng insulin, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, rối loạn giấc ngủ và trầm cảm. Điều đáng báo động là béo phì ở thanh thiếu niên có liên quan đến tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch và tiểu đường type 2 ở người lớn.

Nghiên cứu nêu rõ hiện có nhiều phác đồ điều trị bệnh béo phì nhưng yếu tố cốt lõi là điều chỉnh lối sống, trong đó có  thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường hoạt động thể chất và tư vấn hành vi.

Mới đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng chỉ ra tỷ lệ béo phì trong trẻ em nước này tăng mạnh, từ 5% vào năm 1980 lên gần 20% ở hiện tại. Còn theo dữ liệu mới nhất từ Khảo sát Quốc gia về Sức khỏe Trẻ em, cứ 6 thanh thiếu niên ở Mỹ thì có 1 người bị béo phì. Về độ tuổi, tỷ lệ béo phì trong nhóm từ 2-5 tuổi là 12,7%, nhóm 6-11 tuổi là 20,7% và 22,2% trong nhóm từ 12-19 tuổi.

Nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng thừa cân ở trẻ em, các nhóm y tế hàng đầu nước Mỹ đã khuyến nghị thực hiện tư vấn hành vi chuyên sâu nhằm hướng dẫn cho cả trẻ và gia đình những biện pháp thực tế để ăn uống lành mạnh hơn và vận động nhiều hơn.

Chẳng hạn, trong chương trình tư vấn lối sống của Ðại học Stanford, các giảng viên cung cấp cho phụ huynh và con họ những bài học hướng dẫn ăn uống có lợi cho sức khỏe. Ví dụ, thực phẩm chứa hàm lượng calo cao (như kem, bánh ngọt) thuộc nhóm thực phẩm "đèn đỏ" nên ăn ít lại, còn rau củ là nhóm thực phẩm "đèn xanh", có thể tiêu thụ với số lượng không giới hạn.

Thế nhưng, một cuộc điều tra riêng của hãng tin Reuters với nhiều bác sĩ và phụ huynh Mỹ cho thấy những chương trình tư vấn như trên không được phổ biến rộng rãi cho tất cả gia đình và những người nằm trong danh sách chờ cũng có thể phải đợt đến vài tháng mới được tư vấn. Hơn nữa, nhiều chương trình cũng không được bảo hiểm y tế chi trả và thường yêu cầu cam kết về thời gian thực hiện, điều mà nhiều gia đình khó tuân thủ.

Hệ quả là có chưa đến 1% trong số gần 15 triệu trẻ em Mỹ mắc bệnh béo phì nhận được loại hình chăm sóc có hệ thống này.

Trong một bản khuyến nghị được công bố hồi tháng 12/2023, Lực lượng Ðặc nhiệm các Dịch vụ Phòng ngừa bệnh tật Mỹ (USPSTF) - một nhóm chuyên gia có ảnh hưởng được chính phủ hậu thuẫn, nhận định biện pháp can thiệp tốt nhất cho trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh béo phì vẫn là thực hiện thay đổi lối sống. Trước đó, USPSTF đã kiểm tra nhiều thử nghiệm lâm sàng và phát hiện các chương trình tư vấn hành vi chuyên sâu giúp trẻ giảm trung bình khoảng 2,5kg cân nặng.

Hoàng Dương