Print

Võ sĩ quyền anh Imane Khelif vào tranh CK: Cuộc chiến ngầm giữa IOC và IBA?

Thứ Năm, 08 /08/2024 07:44

Imane Khalif, nữ võ sĩ người Algeria, một trong những gương mặt gây tranh cãi nhiều nhất tại TVH 2024, sẽ bước vào trận CK môn quyền anh nữ ở hạng 66kg. Đối mặt với những cáo buộc và chỉ trích mà cô coi là “sự bắt nạt có hệ thống” về tình trạng giới tính của mình, Khalif tuyên bố: “Tấm HCV chính là sự đáp trả mạnh mẽ nhất!”.

Đáp trả mạnh mẽ nhất

Trong cuộc phỏng vấn đầy đủ đầu tiên kể từ khi vướng vào tranh cãi, VĐV người Algeria cho biết gia đình rất lo lắng cho mình. Khelif lên tiếng sau khi Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) thừa nhận họ đã được cảnh báo bằng văn bản cách đây hơn một năm rằng Khelif có DNA của một "người đàn ông". Khelif cho biết những tranh cãi và cơn thịnh nộ xung quanh câu chuyện giới tính của mình đã tạo ra "những tác động to lớn. Tôi muốn gửi thông điệp tới mọi người trên thế giới để duy trì các nguyên tắc và Hiến chương Olympic, để kiềm chế việc bắt nạt tất cả VĐV, vì điều này có những tác động rất lớn. Nó có thể hủy hoại con người, giết chết suy nghĩ, tinh thần và trí óc. Nó còn chia rẽ mọi người. Và vì thế, tôi yêu cầu mọi người kiềm chế việc bắt nạt. Tôi biết rằng Ủy ban Olympic đã đối xử công bằng với tôi và tôi hài lòng với biện pháp khắc phục này, vì nó cho thấy sự thật của câu chuyện. Và nếu đó là ý của Chúa, thì tấm huy chương vàng sẽ là cách phản ứng tốt nhất”.

Khelif hoàn toàn hiểu rằng nếu cô giành được huy chương vàng, tranh cãi sẽ lên đến đỉnh điểm. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở nhiễm sắc tố XY phát hiện trong các cuộc kiểm tra sức khỏe của cô, mà chủ yếu nó nằm ở quan điểm trái ngược của IOC và IBA về vấn đề này. Trong khi IOC cảnh báo việc "kỳ thị" hai võ sĩ, IBA lại muốn loại bỏ họ khỏi các cuộc thi cho nữ. Mark Adams, người phát ngôn của IOC, đã xác nhận sự tồn tại của một lá thư từ IBA, nhưng cho biết các cuộc thử nghiệm này không đáng tin cậy. “Có một loạt lý do tại sao chúng tôi sẽ không giải quyết vấn đề này. Một phần là tính bảo mật. Một phần là vấn đề y tế. Một phần là không có cơ sở cho việc xét nghiệm ngay từ đầu. Và một phần là chia sẻ dữ liệu này cũng rất vi phạm các quy tắc, quy tắc quốc tế. Toàn bộ quá trình đều có sai sót”, ông Mark Adams nhấn mạnh.

Tháng 6 năm ngoái, IBA đã gửi cho Thế vận hội những kết quả xét nghiệm của họ với Khelif, bao gồm xét nghiệm ở Ấn Độ vào năm ngoái và một xét nghiệm trước đó ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 5/2022. Trong cuộc họp báo quốc tế diễn ra vào chiều qua theo giờ Paris, Chris Roberts, TTK kiêm Giám đốc điều hành của IBA, tuyên bố rằng: “Các ủy ban Olympic của Algeria và Đài Bắc Trung Hoa đã gửi thư cho IBA yêu cầu họ không tiết lộ thông tin về các võ sĩ tại cuộc họp báo ở Paris. Những xét nghiệm này ảnh hưởng đến đời sống riêng tư của người có liên quan và cấu thành thông tin y tế được bảo vệ như dữ liệu cá nhân. Họ biết những xét nghiệm này tồn tại và chúng không phải là giả mạo”.

Vấn đề chuyển giới

Những người vận động vì công bằng trong thể thao đã vô cùng phẫn nộ trước các trận đấu trong những ngày gần đây, khi cả Khelif và Lin đều dễ dàng vượt qua đối thủ của mình. “Có những bằng chứng khoa học cho thấy những người chuyển giới từ nam sang nữ vẫn có lợi thế về thể chất so với nữ giới sinh học, ngay cả sau khi trải qua liệu pháp hormone. Điều này đặc biệt rõ ràng trong các môn thể thao đòi hỏi sức mạnh và tốc độ như quyền Anh”, Tiến sĩ Emma Thompson, chuyên gia y học thể thao tại Đại học Southampton, nhận định. Trong khi đó, Tiến sĩ Sarah Johnson, chuyên gia xã hội học thể thao tại Đại học California, nhấn mạnh IOC đã đưa ra khung chính sách mới vào năm 2021, cho phép các liên đoàn thể thao quốc tế tự quyết định về vấn đề này. Tuy nhiên, IBA (Hiệp hội Quyền Anh Quốc tế) vẫn chưa có quy định cụ thể về vận động viên chuyển giới.

Cuộc tranh cãi này cũng làm dấy lên câu hỏi về việc liệu có nên tạo ra một hạng mục riêng cho các vận động viên chuyển giới hay không. Ông Mike Brown, Giám đốc Hiệp hội VĐV quốc tế, đề xuất: "Có thể chúng ta cần xem xét việc tạo ra một hạng mục thi đấu mới, đảm bảo cơ hội tham gia cho tất cả các vận động viên mà vẫn duy trì tính công bằng".

Hoàng Hương