Print

BV Lê Văn Việt ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chỉnh hình răng mặt

Thứ Sáu, 09 /08/2024 12:44

Mới đây, tại Hội nghị khoa học kỹ thuật năm 2024, do BV Lê Văn Việt tổ chức, BS.Trần Phương Thúy- Khoa Liên chuyên khoa của BV này, đã giới thiệu tới đồng nghiệp việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chỉnh hình răng mặt.

Theo BS.Trần Phương Thúy, ngày nay AI đang được sử dụng rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực như sản xuất, dịch vụ, vận tải, y tế, giải trí, CNTT... Riêng lĩnh vực nha khoa, AI đang được ứng dụng để thực hiện nhiều nhiệm vụ, từ việc đơn giản như cải thiện kỹ thuật đánh răng của người bệnh đến chẩn đoán sâu răng, hay lập kế hoạch điều trị phức tạp như chỉnh hình răng mặt.

AI hỗ trợ phân tích dữ liệu

Gần đây, mô hình mạng lưới Bayesian (Bayesian network model)- một thuật toán AI, được dùng để phát triển hệ thống hỗ trợ đưa ra quyết định điều trị tùy theo các tình huống lâm sàng khác nhau. AI cũng có thể hỗ trợ đưa ra quyết định trong chỉnh hình răng mặt. “Điều trị chỉnh nha truyền thống dựa trên thăm khám toàn diện và phân tích các dữ kiện về bệnh nhân. AI sẽ giúp bác sĩ phân tích dữ kiện chính xác và nhanh chóng nhất. Nhờ đó, hiệu quả điều trị được tối ưu nhất”- BS.Thúy chia sẻ.

Trước sự quan tâm của đồng nghiệp đến từ các BV, từ tuyến Trung ương, tuyến thành phố, tuyến quận/huyện cho đến nhiều Trạm Y tế trên địa bàn TP.Thủ Đức, BS.Trần Phương Thúy đã dẫn ca lâm sàng để minh họa rõ nét tiến bộ của y tế tuyến cơ sở trong ứng dụng khoa học kỹ thuật. Theo đó, cách đây 2 năm, cậu học trò lớp 4 Trần Thế Vũ không may bị té gãy răng cửa trong lúc chơi đùa. Hai ngày sau, Vũ bỏ ăn, không chịu đi học vì lo chúng bạn chọc ghẹo, chê cười “răng sún”.

Kết quả chụp X-quang cho thấy, răng R11 phần men và ngà răng bị gãy; R21 phần men bị gãy, không gãy chân răng, không trật khớp răng, không mảnh răng vỡ hoặc dị vật; chưa đóng chóp răng R11, 21; sai lệch khớp cắn hạng II (tương quan xương- răng- mô mềm hạng II). Đáng nói, bệnh nhi này vướng tâm lý lo lắng, ngại giao tiếp, làm ảnh hưởng tới việc học. Vì vậy, nhu cầu điều trị trở nên gấp rút, dù sức khỏe thể chất không ảnh hưởng nhiều.

Quá trình AI phân tích dữ liệu

Theo BS.Trần Phương Thúy, ca bệnh nhi này, ngoài phục hồi thân răng R11 và R21, còn cần tái thiết lập khớp cắn hạng I, tương quan xương- răng- mô mềm hạng I. Để làm được điều này, BS.Thúy đã thu thập dữ liệu đầy đủ để AI hỗ trợ phân tích và cho đáp án cuối cùng. Dữ liệu thu thập gồm hình ảnh ngoài mặt (mặt góc lồi, kiểu mặt ngắn); hình ảnh trong miệng (bộ răng hỗn hợp, cắn chìa lớn đường cong spee sâu); hình ảnh X-quang (giai đoạn răng hỗn hợp, đủ mầm răng vĩnh viễn). Từ bộ dữ liệu nói trên, AI phân tích để vẽ ra các điểm giải phẫu chính xác trong tương quan xương- răng- mô mềm.

Để làm rõ công năng của AI, BS.Trần Phương Thúy đã song song thực hiện “thủ công”, đó là vẽ tay theo phương thức điều trị chỉnh nha truyền thống. So sánh 2 kết quả cho thấy, AI tiết kiệm thời gian, tăng độ chính xác, giảm số lần hẹn với bệnh nhân; hỗ trợ bác sĩ về chẩn đoán và hoạch định phương án điều trị chuyên khoa một cách trực quan, chi tiết hơn trong môi trường đồ hoạ; mô hình chẩn đoán hoàn chỉnh đa chiều, chi tiết và tin cậy hơn, đủ để đảm bảo mô phỏng kết quả kế hoạch điều trị có tính khả thi, an toàn và giảm thiểu thời gian thực hiện; tăng cường hiệu quả tư vấn trước điều trị, người bệnh dễ hiểu về quá trình điều trị, bác sĩ và bệnh nhân dễ dàng trao đổi, tương tác với nhau để phối hợp nâng cao hiệu quả điều trị...

Sau điều trị, cậu học trò lớp 4 Trần Thế Vũ đã trở lại trạng thái tâm lý bình thường, tiếp tục đến trường vui học cùng bạn bè. Tại Hội nghị khoa học kỹ thuật, ngoài BS.Trần Phương Thúy, các bác sĩ BV Lê Văn Việt còn trình bày một số đề tài nghiên cứu khoa học được thực hiện tại BV. Ngoài ra, với chủ đề "Cập nhật những tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị bệnh lý tim mạch- thận- chuyển hóa", nhiều giáo sư, bác sĩ đầu ngành còn chia sẻ những nghiên cứu mới, giúp đại biểu dự Hội nghị gia tăng kiến thức và nâng cao tay nghề.

Thanh Giang