Phát triển kinh tế số lĩnh vực bán lẻ cần bắt đầu với thương mại điện tử
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Phạm Đức Long cho rằng, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số lĩnh vực bán buôn, bán lẻ cần bắt đầu với thương mại điện tử (TMĐT).
Theo bà Lê Hoàng Oanh- Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), tại Việt Nam, TMĐT phát triển nhanh trong thời gian qua, đặc biệt từ đợt dịch Covid-19 đến nay. Tỷ trọng bán lẻ đã tăng trưởng 25%, nhưng vẫn còn hạn chế so với các nước trong khu vực, cho thấy TMĐT vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Theo đó, Việt Nam cần phát triển bền vững TMĐT, vì đây là xu hướng của thế giới và Việt Nam. Theo đó, phải cân bằng 3 yếu tố: Phát triển kinh tế, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.
Để thúc đẩy TMĐT bền vững, có 5 yếu tố chính cần xem xét, gồm: Cân bằng, hài hoà lợi ích các bên; tăng trưởng ổn định, tích cực; niềm tin; nguồn nhân lực và xanh.
Cũng theo bà Lê Hoàng Oanh, một trong những giải pháp phát triển, tăng trưởng kinh tế từ TMĐT thì cần thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới. Theo đó, hiện mới chỉ có 50% số DN quan tâm đến kết nối trực tuyến và xuất khẩu. DN cần tự xây dựng website để bán hàng và xuất khẩu xuyên biên giới qua sàn TMĐT bên cạnh phương thức xuất khẩu truyền thống. DN cũng cần được đào tạo về bán hàng TMĐT đúng quy cách, ứng dụng công nghệ thông thin (CNTT) và DN công nghệ đóng vai trò quan trọng để phát triển nền tảng số, thúc đẩy xuất khẩu xuyên biên giới.
Theo ông Trần Minh Tuấn- Vụ trưởng Vụ Kinh tế số- Xã hội số (Bộ TT-TT), Việt Nam hiện có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ truyền thống, chiếm 75% thị phần bán lẻ. Các cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống đang đáp ứng 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Giá trị gia tăng của lĩnh vực bán buôn hiện nay đạt khoảng 544.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 62% doanh thu bán buôn, bán lẻ, chiếm tỷ trọng khoảng 5% GDP.
"Cần chuyển đổi số bán buôn và bán lẻ theo hướng đưa toàn bộ các hoạt động bán buôn, các DN, tạp hóa, cửa hàng bán lẻ từ môi trường thật lên môi trường số, nhằm tiếp cận khách hàng trên nhiều kênh số khác nhau, mang lại giá trị và hiệu quả cao hơn. Các mô hình TMĐT đã nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng dựa trên phân tích dữ liệu lớn, dịch vụ dựa trên vị trí, ứng dụng di động và các dịch vụ kèm theo bên cạnh sản phẩm"-ông Trần Minh Tuấn nói.
Thông tin từ Bộ TT-TT cho biết, hiện Bộ đang phối hợp với Bộ Công Thương đang xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số các DN, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ; xây dựng trang thông tin đánh giá CĐS các DN, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ; tổ chức đánh giá đánh giá các nền tảng số chuyển đổi số DN, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ tại cổng https://smedx.vn; xây dựng các chương trình đào tạo mẫu cho từng nhóm đối tượng (phối hợp với các DN công nghệ số).
Theo ông Nguyễn Hồng Thắng- Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Bộ TT-TT đang triển khai chương trình thúc đẩy, hỗ trợ người dân, DN, hộ kinh doanh hiện diện trực tuyến tin cậy, an toàn với các dịch vụ số sử dụng tên miền quốc gia ".vn" ở các tỉnh, thành phố giai đoạn 2024- 2025.
Chương trình nhằm nâng cao nhận thức về hiện diện trực tuyến trên môi trường Internet; tăng cường khả năng hiện diện trực tuyến của người dân, DN và hộ kinh doanh; thúc đẩy kinh tế số, xã hội số bằng cách khuyến khích và tạo điều kiện cho các người dân, DN, hộ kinh doanh sử dụng giải pháp công nghệ số và dịch vụ trực tuyến trong các hoạt động TMĐT, y tế, văn hóa, giáo dục; đảm bảo thông tin trên mạng tin cậy, an toàn với các dịch vụ số (website, email,…) gắn với tên miền quốc gia ".vn".
Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long cho biết, Bộ TT-TT, Bộ Công Thương cùng đồng hành với các địa phương để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ. Qua thực tiễn, nếu không chuyển đổi số, các tiểu thương sẽ không có cơ hội mưu sinh khi chợ truyền thống mai một. "Bộ TT-TT và Bộ Công Thương sẽ cùng thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực này"- Thứ trưởng Phạm Đức Long nêu rõ.
Theo đó, Bộ TT-TT và Bộ Công Thương sẽ cùng thống nhất về các hành động chung để hướng dẫn tiểu thương kinh doanh trên nền tảng số. Công tác triển khai chuyển đổi số bán buôn, bán lẻ được triển khai ở 63 địa phương.
H.Thuỷ