Print

BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế: Khắc phục khó khăn, tiến tới BHYT toàn dân

Thứ Ba, 13 /08/2024 13:59

Mặc dù tỷ lệ bao phủ BHYT tại Thừa Thiên Huế đã vượt chỉ tiêu được Chính phủ giao, song tỷ lệ này chưa bền vững. Vì vậy, để người dân tham gia BHYT bền vững là việc làm cấp bách và đòi hỏi sự đồng lòng, chung tay của cả hệ thống chính trị.

Nỗ lực từ cơ sở

Thời gian qua, BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các đơn vị BHXH, cũng như phối hợp với các Tổ chức dịch vụ thu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật BHYT người dân thấy rõ quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia. Đồng thời, phối hợp với DN, địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp tuyên truyền, đối thoại, giải đáp những ý kiến của người dân trong việc thực hiện chính sách BHYT.

Cùng với đó, cơ quan BHXH và Bưu điện tỉnh tổ chức ra quân tuyên truyền lưu động, tư vấn trực tiếp tới hộ kinh doanh, người dân tại các chợ để thu hút người dân tham gia BHYT. Đồng thời, BHXH tỉnh tham mưu UBND tỉnh giao kế hoạch chỉ tiêu phát triển BHYT cụ thể ở từng nhóm đối tượng cho từng địa phương; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền với tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn. Đặc biệt, trong phát triển đối tượng BHYT, cơ quan BHXH chú trọng triển khai các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ học sinh tham gia BHYT. Trong đó, phân công cán bộ trực tiếp đến các trường học trên địa bàn để tuyên truyền, phổ biến chính sách về BHYT học sinh, giải đáp các thắc mắc và hướng dẫn nhà trường cũng như kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện BHYT ở các trường. Nhờ vậy, số người tham gia BHYT liên tục tăng, đặc biệt là 2 huyện vùng cao Nam Đông, A Lưới.

Phú Vang là huyện đồng bằng ven biển và đầm phá của tỉnh Thừa Thiên Huế, người dân chủ yếu làm nghề nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản nên thu nhập bấp bênh. Vì vậy, để đảm bảo an sinh xã hội, giúp người dân ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động cũng như chăm sóc sức khỏe khi ốm đau, BHXH Phú Vang thường xuyên tổ chức các nhóm truyền thông “đi từng ngõ, gõ từng nhà” giới thiệu các chính sách BHXH, BHYT, phân tích về mức đóng- mức hưởng, cũng như vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện thời hạn 5 năm, 15 năm để sau này nhận chế độ tử tuất, lương hưu. Chị Nguyễn Thị Hà (xã Vinh Thanh) chia sẻ: “Trước đây mình cứ nghĩ chỉ có cán bộ Nhà nước, NLĐ làm việc ở các công ty khi nghỉ hưu mới có lương hưu nên cứ lo sau này hết tuổi lao động sẽ không có nguồn thu nhập ổn định, phải trông cậy vào con cháu. Mới đây, khi cán bộ BHXH đến tận nhà giới thiệu chính sách BHXH tự nguyện với nhiều mức đóng, mức hưởng khá phù hợp với điều kiện kinh tế hiện tại nên mình đã tham gia để sau này cũng có lương hưu như cán bộ nhà nước. Ngoài thẻ BHYT chăm lo sức khỏe hiện nay thì sau về già mình cũng yên tâm có lương hưu rồi”.

Cùng với việc tuyên truyền theo nhóm nhỏ ở nhà dân, hay tổ chức các đoàn nhân viên thu đến các chợ truyền thống, chợ cá để tuyên truyền, BHXH huyện thường xuyên tổ chức các đợt ra quân tuyên truyền lưu động tại các quán ăn, cà phê, các nhà máy, tụ điểm đông người… nhằm giúp cho NLĐ hiểu rõ quyền, lợi ích của việc tham gia BHXH, BHYT; từ đó tạo sức lan tỏa sâu rộng để người dân chủ động tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình. Đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT tại Phú Vang đã đạt 98,85% dân số.

Khắc phục khó khăn tiến tới bao phủ BHYT bền vững

Theo ông Hoàng Trọng Chính- Phó Giám đốc BHXH tỉnh, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, phổ biến, chính sách BHXH, BHYT nên công tác BHYT tại Thừa Thiên Huế đã đạt được kết quả vượt trội. Tính đến nay, BHXH tỉnh đã thực hiện vượt chỉ tiêu BHYT toàn dân là 4,7% so với chỉ tiêu bao phủ BHYT do Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 546. Đặc biệt, tỷ lệ người tham gia tự đóng chiếm tỷ lệ rất cao 39,92% so với tổng số người có thẻ BHYT (tỷ lệ của cả nước là 26,6%), tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 99,17% so với dân số toàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, công tác đẩy nhanh diện bao phủ BHYT tại Thừa Thiên Huế vẫn còn những khó khăn, đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Qua khảo sát, tỷ lệ đồng bào DTTS khu vực miền núi tham gia BHYT còn thấp đã ảnh hưởng đến việc duy trì tỷ lệ tham gia BHYT của toàn tỉnh. Mặc dù đã được hỗ trợ 70% mức đóng theo Nghị định số 75 của Chính phủ nhưng do thu nhập của các hộ gia đình, người dân còn thấp chưa đủ khả năng tham gia dẫn đến việc tăng tỷ lệ bao phủ BHYT gặp rất nhiều khó khăn. Một số xã trước đây thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn (xã bãi ngang) được NSNN đóng 100% BHYT thì nay đạt chuẩn NTM không còn diện hỗ trợ, trong khi một số hộ gia đình vẫn còn khó khăn nên chưa có điều kiện tham gia BHYT đầy đủ.

Bên cạnh đó, khó khăn trong bao phủ BHYT của Thừa Thiên Huế là sinh viên tại các trường học chưa tham gia BHYT đủ 100% do một bộ phận không nhỏ sinh viên các năm thứ 2 trở đi không đăng ký tham gia BHYT trong quá trình học tập tại các trường đại học. Trong khi đó, một số trường học và cơ sở giáo dục dạy nghề chưa chú trọng đến công tác hướng dẫn, tuyên truyền HSSV tham gia BHYT hoặc còn xem đây là nhiệm vụ của ngành BHXH mà chưa xác định được đúng vai trò và trách nhiệm của nhà trường trong công tác thu và cấp thẻ BHYT HSSV. Chính vì vậy, để triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về BHYT, thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi người dân nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, tầm quan trọng của chính sách BHYT. Trong đó, cơ quan BHXH tiếp tục tham mưu để Tỉnh ủy, HĐND, UBND tiếp tục giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT đến cấp xã, đồng thời quy định giá dịch vụ KCB BHYT phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội tại địa phương; chỉ đạo Sở Y tế, các cơ sở KCB thực hiện các giải pháp nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí KCB BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT…

Nguyệt Hà