Quảng Nam: 7 tháng, các đơn vị, DN chậm đóng BHXH, BHYT trên 318 tỷ đồng
Trước thực trạng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BHTNLĐ-BNN trên địa bàn có xu hướng gia tăng; nhiều đơn vị, DN cố tình không chấp hành Luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BHXH tỉnh Quảng Nam vừa có Báo cáo số 1744/BHXH-QLTST gửi UBND tỉnh Quảng Nam, đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam có những chỉ đạo kịp thời, để chấn chính tình trạng này, nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.
Theo BHXH tỉnh Quảng Nam, trong 7 tháng đầu năm, tình hình thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BHTNLĐ-BNN của các DN, cơ quan, đơn vị thực hiện tương đối đảm bảo theo quy định, quyền lợi của NLĐ và đối tượng thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BHTNLĐ-BNN được giải quyết nhanh chóng, góp phần ổn định chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BHTNLĐ-BNN của một số cơ quan, đơn vị, DN vẫn còn, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của NLĐ.
Cụ thể, tính đến hết tháng 7/2024, tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BHTNLĐ-BNN trên toàn tỉnh là 318,515 tỷ đồng. Trong đó, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BHTNLĐ-BNN của khối DN hơn 248,612 tỷ đồng. Có 1.177 đơn vị, DN chậm đóng từ 3 tháng trở lên, với số tiền chậm đóng hơn 146,965 tỷ đồng; trong đó có những đơn vị khó thu (các đơn vị giải thể, phá sản, mất tích, ngừng hoạt động...) với số tiền chậm đóng hơn 38,564 tỷ đồng.
Riêng đối với những đơn vị, DN còn đang hoạt động có số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BHTNLĐ-BNN từ 100 triệu đồng hoặc số tháng chậm đóng từ 12 tháng trở lên là 144,863 tỷ đồng.
Trong đó có một số đơn vị, DN có số tiền chậm đóng lớn, thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng ngàn lao động như: Công ty Giày Rieker Việt Nam (chậm đóng 1 tháng của 9.773 NLĐ với số tiền trên 15,5 tỷ đồng); Công ty TNHH May Minh Hoàng II (28 tháng, 243 lao động, trên 9,1 tỷ đồng); Công ty CP Tập Đoàn ROYAL CAPITAL (15 tháng, 172 lao động, gần 5,5 tỷ đồng); Công ty TNHH Khu Du Lịch Vinacapital Hội An (13 tháng, 226 lao động, trên 5,3 tỷ đồng); Công ty CP Gạch men Anh Em DIC (19 tháng, 203 lao động, trên 4,7 tỷ đồng); Công ty CP Phước Kỳ Nam (1 tháng, 2.112 lao động, trên 3,2 tỷ đồng); Công ty TNHH GROZ-BECKERT VIETNAM (1 tháng, 896 lao động, gần 3,1 tỷ đồng); Công ty TNHH Giáo dục Yến Nhung (42 tháng, 2 lao động, trên 2,2 tỷ đồng)…
Trước thực trạng trên, BHXH tỉnh Quảng Nam đề nghị UBND tỉnh có chỉ đạo kịp thời đến các Sở, ban ngành, các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể liên quan, nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ theo quy định của pháp luật
Lê Văn