Print

Gần 500 triệu trẻ em trên thế giới đối mặt với số ngày nắng nóng gấp đôi mỗi năm

Thứ Ba, 20 /08/2024 10:53

Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cảnh báo, gần 500 triệu trẻ em trên khắp thế giới phải đối mặt với số ngày nắng nóng gấp đôi mỗi năm, thậm chí còn nhiều hơn thế, so với thế hệ ông bà, hoặc thậm chí nhiều hơn. Trẻ em ở các quốc gia khu vực Tây và Trung Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

So sánh nhiệt độ trung bình từ năm 2020 đến năm 2024 với những năm 1960, sử dụng số ngày có nhiệt độ 35 độ C làm căn cứ, UNICEF đưa ra thống kê: 466 triệu trẻ em trên toàn thế giới, tức 1/5 trẻ em, phải trải qua số ngày thời tiết nắng nóng gấp đôi so với 60 năm trước. Trong số đó, 123 triệu trẻ em- tương đương 39%- ở các quốc gia Tây và Trung Phi (Mali, Niger, Senegal, Nam Sudan, Sudan…) sống ở nhiệt độ cao từ 35 độ C trở lên trong hơn 4 tháng mỗi năm.

Lấy ví dụ minh họa, UNICEF cho biết, ở Mali, thuộc khu vực Tây Phi, nhiệt độ lên tới 35 độ C hoặc cao hơn trong hơn 200 ngày mỗi năm. Tuy nhiên, hàng triệu người ở quốc gia này không có điều kiện sử dụng điều hòa và đôi khi họ không thể bật quạt máy để hạ nhiệt do mất điện.

Đại diện UNICEF nhận định: “Trẻ em phải đối mặt với rủi ro lớn hơn người lớn trong các đợt nắng nóng bởi trẻ em rất dễ bị tổn thương. Trẻ em thở nhanh hơn và ít đổ mồ hôi hơn người lớn, khiến dễ bị sốc nhiệt, có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Sốc nhiệt là khi cơ thể con người không thể duy trì nhiệt độ cơ thể bình thường do các yếu tố môi trường (nhiệt độ, độ ẩm), gây ra một số triệu chứng như mất nước, mệt mỏi, say nắng, co thắt cơ… trong trường hợp nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng”.

Thế giới trải qua tháng 7 nóng nhất năm nay, đạt nhiệt độ cao kỷ lục trong 14 tháng liên tiếp. Thời tiết nắng nóng còn khiến trẻ em suy dinh dưỡng, dễ mắc các bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh và sức khỏe tâm thần. Ngoài ra, nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực và nước sạch toàn cầu, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận giáo dục của trẻ em và buộc người dân phải di dời khỏi nơi cư trú.

Theo thống kê, 8 tháng đầu năm 2024, đã có ít nhất 80 triệu trẻ em không được đi học đầy đủ hay phải nghỉ học vì biến đổi khí hậu. Bà Catherine Russell, Giám đốc điều hành UNICEF, kêu gọi các Chính phủ tăng cường hành động để hạn chế thiệt hại của biến đổi khí hậu, bảo đảm An sinh xã hội cho người dân nói chung, trẻ em nói riêng.

Tùng Anh (Theo UNICEF)