Print

Triển lãm Thư pháp chữ Quốc ngữ Nghiên bút còn thơm khai mạc ngày 31/8

Thứ Tư, 21 /08/2024 12:42

Nghiên bút còn thơm diễn ra từ ngày 31/8 đến ngày 25/9/2024, tại Khu Thái Học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu- Quốc Tử Giám.

Thư pháp chữ Quốc ngữ xuất hiện từ thập niên 1930- đây là giai đoạn chữ Quốc ngữ (hay còn gọi là chữ Latinh) bắt đầu phổ biến hơn chữ Hán, chữ Nôm ở Việt Nam trong thời kỳ đô hộ của Thực dân Pháp. Nhà thơ Đông Hồ Lâm Tấn Phác là người đầu tiên có ý tưởng dùng bút lông và mực nghiên để viết thư pháp bằng chữ Quốc ngữ; vì vậy, ông được tôn là “ông tổ” của nghệ thuật này. Trải qua thời gian, đến nay, thư pháp chữ Quốc ngữ có được chỗ đứng nhất định, được khá nhiều người theo đuổi và sáng tạo.

Từ ngày 31/8 đến ngày 25/9/2024, tại Khu Thái Học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu- Quốc Tử Giám, sẽ diễn ra Triển lãm Thư pháp chữ Quốc ngữ chủ đề Nghiên bút còn thơm. Triển lãm giới thiệu 70 bức thư pháp chữ Quốc ngữ của 15 tác giả, đến từ 3 miền Bắc- Trung- Nam.

Bên cạnh đó, còn trưng bày 41 bức thư pháp nhỏ được BTC chọn lựa ngẫu nhiên, thể hiện những áng thơ chữ Nôm và chữ Quốc ngữ của các danh nhân văn hóa như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Chủ tịch Hồ Chí Minh… Đặc biệt, kết hợp nghệ thuật thư pháp với nghệ thuật ánh sáng, toàn bộ các tác phẩm trưng bày tại Triển lãm sẽ được “soi sáng từ bên trong, mang lại hiệu ứng xem- cảm mới cho công chúng thưởng thức nghệ thuật”.

Trong khuôn khổ Triển lãm, còn có nhiều hoạt động phong phú và đặc sắc như: Lễ Khai mạc Triển lãm; Trình diễn nghệ thuật thư pháp chữ Quốc ngữ do 5 tác giả tham gia Triển lãm đảm nhận; Tọa đàm Thư pháp Quốc ngữ trong bối cảnh hiện nay- Thực trạng và hướng đi, dự kiến diễn ra vào ngày 14/9/2024…

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và cầu thị, BTC hi vọng Triển lãm sẽ “thu hút được sự quan tâm, chú ý của không chỉ những người đang hoạt động trong lĩnh vực thư pháp chữ Quốc ngữ, mà còn tạo cảm hứng cho người dân và giới trẻ tìm hiểu, nghiên cứu về phân môn nghệ thuật mới mẻ này.

Tùng Anh