Print

WHO kêu gọi chung tay ứng phó bệnh đậu mùa khỉ

Thứ Năm, 22 /08/2024 07:34

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước cùng phối hợp các biện pháp nhằm ngăn chặn, kiểm soát và "xóa sổ" bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) trên toàn cầu.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 20/8, Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu Hans Kluge cho rằng dù là chủng mới hay cũ, Mpox sẽ không gây kịch bản tương tự như những gì thế giới trải qua khi ứng phó với đại dịch COVID-19, bởi cơ quan y tế các nước đã biết cách khống chế sự lây lan của virus SARS CoV 2. Ông nhấn mạnh, việc các nước lựa chọn cách thức chung tay khống chế bệnh đậu mùa khỉ hiện nay và trong những năm tới sẽ là một phép thử quan trọng đối với châu Âu nói riêng và cả thế giới nói chung về năng lực ứng phó với đại dịch.

Theo ông Kluge, bằng cách cung cấp đủ vắc xin cho các quốc gia bị ảnh hưởng ở châu Phi và khuyến khích theo dõi chặt chẽ những người mắc đậu mùa khỉ, sự lây lan của căn bệnh này có thể được kiểm soát.

Hôm 14/8, WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu do Mpox bùng phát ở châu Phi. Trong tuần qua, châu lục này đã ghi nhận hơn 1.400 ca bệnh, nâng tổng số người mắc Mpox tại 12 quốc gia có dịch lên gần 19.000 kể từ đầu năm nay. Hiện virus gây bệnh đang lây lan ở Cộng hòa Dân chủ Congo và các nước láng giềng với chủng bệnh đặc hữu, được gọi là "clade I" và một biến thể mới được gọi là "clade Ib" gây quan ngại do biến thể mới này dường như dễ lây lan hơn qua tiếp xúc gần. 

Theo ông Hans Kluge, những nỗ lực hiện nay cần tập trung khống chế biến thể mới. Và nếu thành công, điều này sẽ giúp củng cố các biện pháp chống lại "clade IIb", qua đó nâng cao năng lực ứng phó của châu Âu và các nước trên thế giới đối với bệnh này thông qua biện pháp tư vấn và giám sát y tế tốt hơn.

Cơ quan y tế Thụy Điển, hôm 15/8, xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới "clade Ib" gây bệnh Mpox tại nước này. Đây là trường hợp đầu tiên ở bên ngoài châu Phi nhiễm biến thể mới của bệnh đậu mùa khỉ.

Hôm 21/8, Bộ trưởng Y tế Philippines Teodoro Herbosa xác nhận một trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ mới được phát hiện tại quốc gia Đông Nam Á này thuộc biến thể Clade 2. Bệnh nhân, là nam giới người Philippines 33 tuổi, không có tiền sử đi lại bên ngoài Philippines, và người này đang hồi phục tại bệnh viện.

Phát ngôn viên Tarik Jasarevic của WHO kêu gọi cơ quan y tế các nước cần cảnh giác và linh hoạt ứng phó trong trường hợp xuất hiện những biến chủng mới dễ lây hơn hoặc xuất hiện những biến chủng thay đổi cách thức lan truyền.

Trước tình hình trên, một loạt nước trên thế giới đã tăng cường các biện pháp ứng phó với Mpox.

Bộ Y tế Argentina, hôm 20/8, thông báo đã kích hoạt tình trạng khẩn cấp sau khi phát hiện một thủy thủ trên tàu vận tải Ina-Lotte mang cờ Liberia đến từ Brazil có triệu chứng lâm sàng của Mpox.

Cùng ngày, Hàn Quốc đã yêu cầu những người có triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ đến hoặc trở về từ 8 quốc gia châu Phi phải báo cáo với cơ quan chức năng, đồng thời tái áp đặt quy định Mpox là bệnh truyền nhiễm cần sàng lọc tại biên giới.

Từ tuần trước, Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) đã tuyên bố tăng cường các biện pháp ngăn chặn loại virus này. Những người đến hoặc trở về từ 8 quốc gia châu Phi gồm Rwanda, Burundi, Uganda, Ethiopia, Cộng hòa Trung Phi, Kenya, CH Congo và CHDC Congo phải báo cáo với cơ quan chức năng nếu có các triệu chứng liên quan như sốt, đau nhức cơ và sưng hạch bạch huyết. KDCA cũng sẽ triển khai các nhân viên y tế tại các cửa đến của các chuyến bay trực tiếp từ Ethiopia và thực hiện các biện pháp giám sát bổ sung, chẳng hạn như kiểm tra nước thải từ máy bay.

Theo KDCA, tính đến ngày 9/8, Hàn Quốc báo cáo có 10 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ trong năm nay, giảm so với mức 151 trường hợp của năm 2023.

Tại Ấn Độ, nhà chức trách đã thông báo tới các bộ phận chức năng tại tại các sân bay, cảng và biên giới với Bangladesh và Pakistan yêu cầu nâng cao cảnh giác đối với những những hành khách quốc tế nhập cảnh có biểu hiện triệu chứng Mpox.  Một số nước Đông Nam Á cũng đã triển khai nhiều biện pháp và đưa ra nhiều khuyến nghị về Mpox.

Mpox lây truyền qua tiếp xúc gần, bao gồm quan hệ tình dục. Tuy nhiên, khác với các đại dịch toàn cầu trước đây chẳng hạn như COVID-19, không có bằng chứng nào cho thấy mpox dễ dàng lây lan qua không khí. Và hiện WHO chưa đưa ra khuyến nghị nào về việc cần đeo khẩu trang.

Ngọc Tuấn