Vịnh Hạ Long- Quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản Địa chất quốc tế
Vịnh Hạ Long- Quần đảo Cát Bà của nước ta được Liên hiệp Khoa học địa chất quốc tế (IUGS) công nhận là Di sản Địa chất quốc tế.
Di sản được công nhận nhờ hai giá trị nổi bật toàn cầu về lịch sử địa chất và địa mạo karst (địa mạo của các kiểu phân rã đặc trưng thông thường được đánh dấu bởi các hệ thống thoát nước theo hang động ngầm dưới đất). Dự kiến, Liên hiệp Khoa học Địa chất quốc tế sẽ công bố danh sách 100 di sản Địa chất IUGS tại Đại hội Địa chất quốc tế (IGC) lần thứ 37 diễn ra từ ngày 25-31/8/2024 tại Busan (Hàn Quốc).
Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà bao gồm toàn bộ các giai đoạn của quá trình biển làm ngập chìm karst nhiệt đới cũng như có 3 loại hình hang động chủ yếu (hang hàm ếch biển cổ, hang nền karst cổ và hàm ếch).
Vịnh Hạ Long thể hiện các giai đoạn muộn hơn của quá trình biển ngập chìm. Quần đảo Cát Bà bổ sung các giá trị địa chất quan trọng vào di sản thông qua các mẫu hình về các giai đoạn đất liền và liên triều.
Được xem là bảo tàng địa chất, Vịnh Hạ Long- Quần đảo Cát Bà chứa đựng những di sản giá trị cần được gìn giữ, nơi chứng kiến những thay đổi đặc trưng trong lịch sử phát triển Trái đất.
Vùng biển này gồm nhiều hệ tầng trầm tích lục nguyên và cacbonat, có tuổi từ nguyên đại Cổ sinh đến Tân sinh. Nhiều hệ tầng trầm tích ở khu vực này chứa đựng các vết tích cổ sinh vật dưới các dạng hoá thạch khác nhau, trong đó có những nhóm ngành động, thực vật đã tuyệt diệt hoặc gần như tuyệt diệt trên trái đất.
Sự hiện diện của rừng nguyên sinh, vịnh và những hòn đảo trên vịnh là những minh chứng độc đáo về quá trình vận động, phát triển liên tục của dạng địa hình karst, hệ fengcong (cụm đỉnh chóp nón) và fenglin (các đặc điểm tháp bị cô lập) hình thành qua hàng triệu năm trong điều kiện nhiệt đới, ẩm, diễn tiến lớn từ các dãy núi cao xuống đến biển, nơi địa hình karst cuối cùng đạt tới mực xâm thực cơ bản.
Minh Anh