Print

Kỳ tích can thiệp cứu sống bệnh nhi dị tật bẩm sinh ngay sau sinh

Thứ Tư, 28 /08/2024 11:05

Trung tâm Tim mạch (BV E) vừa có thêm kỳ tích cứu sống bệnh nhân nhi mắc dị tật bẩm sinh phức tạp từ trong bụng mẹ, có nguy cơ tử vong cao…

Đây là bệnh nhi N.M.Đ (12 ngày tuổi, ở Vĩnh Phúc) điều trị tại khoa Tim mạch trẻ em- Trung tâm tim mạch. Bệnh nhân nhi được các bác sĩ phát hiện mắc dị tật tim bẩm sinh teo tịt tại van động mạch phổi lành vách liên thất, hở van ba lá mức độ nặng từ trong bào thai. Ngay sau khi chào đời tại khoa Phụ sản (BV E), bệnh nhi đã được các bác sĩ khoa Tim mạch trẻ em- Trung tâm tim mạch cấp cứu và đưa ra phương án can thiệp kịp thời, với mong muốn chữa lành trái tim cho con.

“Đây là trường hợp bệnh nhi được phát hiện mắc tim bẩm sinh phức tạp từ khi còn trong bào thai, ở tuần 26 của thai kì thông qua siêu âm tầm soát”, TS.BS Trần Đắc Đại- Trưởng khoa Tim mạch trẻ em- Trung tâm tim mạch chia sẻ về hành trình chữa lành trái tim vô cùng “đặc biệt” này. Sau đó, con tiếp tục được các bác sĩ theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe trong suốt thai kì tại BV E (có sự phối hợp theo dõi của các bác sĩ khoa Phụ sản và khoa Tim mạch trẻ em). Và được các bác sĩ khoa Tim mạch trẻ em, lên phương án can thiệp kịp thời ngay sau sinh với mong muốn con có cơ hội được sống cuộc đời với trái tim lành lặn.

Chị T.H (29 tuổi, mẹ của bé N.M.Đ) nhận thông báo kết quả con mình bị teo tịt tại van động mạch phổi từ kết quả siêm âm ở tuần thai thứ 26. Sau khi được TS.BS Trần Đắc Đại tư vấn về tiên lượng bệnh, khả năng giữ thai và kế hoạch theo dõi thai, với tình yêu vô bờ bến người mẹ đã quyết tâm giữ con và đồng hành cùng con trên chặng đường chữa lành trái tim non nớt của con mình.

TS.BS Trần Đắc Đại giải thích: trường hợp bệnh nhi được xếp vào nhóm mắc tim bẩm sinh có tuần hoàn phổi phụ thuộc vào ống động mạch, khi van động mạch phổi teo sẽ gây tắc nghẽn hoàn toàn dòng máu từ thất phải lên động mạch phổi cùng với sự nguyên vẹn của vách liên thất, khi đó dòng máu cung cấp cho tuần hoàn phổi thông qua sự tồn tại của ống động mạch dẫn máu từ động mạch chủ sang động mạch phổi. 

Theo TS.BS Trần Đắc Đại: cái khó của ca bệnh này là bệnh nhi vừa sinh, còn rất nhỏ do đó vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh, hơn nữa đây là một trường hợp mắc dị tật tim bẩm sinh teo tịt tại van động mạch phổi lành vách liên thất, hở van ba lá mức độ nặng, có nguy cơ tử vong sau sinh rất cao nếu không được can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, để có thể có kết quả tốt nhất khi can thiệp, các bác sĩ phải chờ cho những nguy cơ của sơ sinh đi qua như nguy cơ nhiễm trùng do mẹ bé khi chuyển dạ đã có xuất hiện cơn sốt, phải dùng kháng sinh để cắt sốt cho mẹ; những nguy cơ về rối loạn chuyển hóa của trẻ sau sinh… mới có thể tiến hành can thiệp. Trong thời gian đó, bệnh nhi sẽ được dùng thuốc giúp duy trì hoạt động của ống động mạch.

Rất may ở trường hợp người bệnh này, khi tiến hành can thiệp, dù bệnh nhi nặng 3,3kg nhưng màng van động mạch phổi mỏng, vòng van đủ lớn để các bác sĩ có thể thuận lợi tiến hành can thiệp nong van động mạch phổi cho bé.

TS.BS Trần Đắc Đại cho biết thêm, đối với các bệnh nhi mắc tim bẩm sinh, việc chẩn đoán được bệnh trong giai đoạn thai kì rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến sự sống của trẻ khi ra đời. Hiện nay, siêu âm tim thai có thể chẩn đoán được loại bệnh tim bẩm sinh này và đánh giá được các yếu tố tiên lượng nhằm định hướng cho sản phụ kế hoạch kiểm soát thai kì một cách chủ động.

Một tín hiệu đáng mừng đối với một số trường hợp mắc các bệnh tim bẩm sinh như trường hợp bệnh nhi này, trước đây chỉ khi trẻ mới sinh ra, can thiệp mới được thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay khoa học kỹ thuật phát triển, các bác sĩ đã có thể can thiêp ngay trong bào thai với các dị tật tương tự. 

TS.BS Trần Đắc Đại khuyến cáo: các sản phụ nên được theo dõi suốt trong thai kì bởi bác sĩ tim mạch chuyên về bệnh tim bẩm sinh và bác sĩ sản khoa có kinh nghiệm nhằm tầm soát hết những nguy cơ cao có thể xảy ra trong thai kỳ và quá trình sinh. Trong trường hợp không may thai nhi gặp những bất thường, các bác sĩ sẽ tư vấn và giải thích các nguy cơ của mẹ và thai nhi: về tiên lượng bệnh, khả năng giữ thai, kế hoạch theo dõi thai bằng siêu âm nhằm theo dõi tiến triển bệnh; tư vấn sản phụ lựa chọn cơ sở y tế sinh có đủ điều kiện về chuyên môn và cơ sở vật chất giúp cấp cứu sơ sinh và sau đó chuyển ngay thai nhi đến cơ sở chuyên khoa tim mạch để theo dõi và đưa ra phương án can thiệp kịp thời…

Hiện sức khỏe bệnh nhi ổn định, tự thở, hết tím tái… Mẹ bé không giấu được những xúc động với hạnh phúc vỡ òa trong dòng nước mắt khi thấy con khỏe mạnh từng ngày. Gia đình bé gửi lời cảm ơn đến các bác sĩ khoa Tim mạch trẻ em, khoa Phụ sản, khoa Nhi, BV E đã cứu sống con và cho con một trái tim khỏe mạnh.

Thành công của ca bệnh này là minh chứng một lần nữa khẳng định sự phối kết hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa: khoa Phụ sản; khoa Nội nhi tổng hợp; khoa Tim mạch trẻ em, Trung tâm tim mạch… tại cùng một cơ sở y tế đã góp phần quan trọng trong việc chẩn đoán sớm các bệnh lý dị tật phức tạp ngay trong thai kỳ và đưa ra phương hướng can thiệp kịp thời sau khi bệnh nhi chào đời và đã được cứu sống thành công.

Thái An