NLĐ Australia không thể làm việc hoặc bị giảm giờ làm do di chứng lâu dài của Covid-19
Các quốc gia trên thế giới đã dần thoát khỏi dịch bệnh Covid-19 nhưng di chứng lâu dài của dịch bệnh vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều người.
Một báo cáo nghiên cứu do Đại học Quốc gia Australia (ANU), Đại học Melbourne và Đại học New South Wales (UNSW) đồng thực hiện vừa công bố cho thấy, có một bộ phận NLĐ Australia không thể làm việc hoặc bị giảm giờ làm do di chứng lâu dài của dịch bệnh Covid-19. Và hệ lụy là dẫn đến thiệt hại lên tới 9,6 tỷ đô-la cho nền kinh tế Australia.
Một bức tường tưởng niệm những người đã thiệt mạng vì Covid-19
Cụ thể, tính đến tháng 9/2022, có khoảng 1,3 triệu người Australia mắc Covid-19, tương đương với việc mất đi 100 triệu giờ làm việc hằng năm. “Như vậy, mỗi NLĐ mất 8 giờ lao động mỗi năm, bao gồm cả NLĐ làm việc toàn thời gian (full-time) và NLĐ làm việc bán thời gian (part-time). Ước tính khiến nền kinh tế quốc gia Australia thiệt hại 96% vào năm 2022, cũng là 1/4 mức tăng trưởng Tổng Sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Australia trong năm đó”- GS.Grafton, một trong những tác giả của Báo cáo và là chuyên gia tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết.
Đồng thời, Đại học Quốc gia Australia (ANU), Đại học Melbourne và Đại học New South Wales (UNSW) cũng thống nhất đưa ra dự báo: Đến tháng 12/2024, vẫn có 873.000 người Australia phải gánh chịu di chứng lâu dài của Covid-19, 1 năm sau khi được chẩn đoán mắc bệnh.
Đó là còn chưa tính đến tình trạng mất năng suất lao động của NLĐ khỏe mạnh bị ảnh hưởng do chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Nếu đề cập đến khía cạnh này, tác động kinh tế tiêu cực thực tế của dịch bệnh có thể còn lớn hơn. Do đó, các nhà nghiên cứu kêu gọi Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách coi việc ứng phó với Covid-19 là ưu tiên hàng đầu về sức khỏe cộng đồng.
Tùng Anh (Theo The Canberra News)