Nỗ lực tăng tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc: Khó lay chuyển thế hệ YOLO
Các nhà chức trách Hàn Quốc đang ra sức đảo ngược tỷ lệ sinh giảm mạnh ở nước này nhưng họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục người trẻ ở độ tuổi 20 và 30 rằng làm cha mẹ là một khoản đầu tư tốt hơn so với mua đồ thời trang hay đi nhà hàng sang trọng.
Reuters đưa tin, Hàn Quốc có kế hoạch thành lập một bộ mới chuyên giải quyết những thách thức về nhân khẩu học sau nhiều năm triển khai các chính sách khuyến khích sinh con nhưng không hiệu quả.
Đối với Park Yeon - một Instagrammer thời trang 28 tuổi, các lựa chọn chi tiêu chủ yếu xoay quanh sở thích ăn mặc và du lịch. Nữ ca sĩ đầy tham vọng này theo quan niệm YOLO (You only live once), tức là bạn chỉ sống một lần nên hãy sống hết mình, sống là chính mình thay vì sống theo cảm nhận của người khác, để khi về già không có gì phải hối tiếc.
"Tôi thích YOLO", Park chia sẻ khi bán những chiếc áo phông Supreme của mình tại một lễ hội thời trang ở Seoul. "Không còn đủ tiền để tiết kiệm mỗi tháng sau khi tôi làm những việc tự thưởng cho mình. Chuyện hôn nhân có thể vào một lúc nào đó, còn bây giờ tôi rất vui, điều đó quan trọng hơn, đúng không?".
Năm nay, Hàn Quốc tiếp tục phá vỡ kỷ lục của chính mình về tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, vốn đã tụt xuống mức thấp mới vào năm ngoái.
Các nhà xã hội học cho biết, các ưu tiên về lối sống của người Hàn Quốc ở độ tuổi 20 và 30 – được coi là thế hệ Y và Z khiến họ chi tiêu nhiều hơn và tiết kiệm ít hơn so với những người cùng lứa tuổi ở các quốc gia khác, và điều này không có lợi cho việc xây dựng gia đình.
"Thói quen chi tiêu nhiều cho thấy những người trẻ tuổi đang cố xây dựng biểu tượng thành công của họ trên mạng thay vì tập trung ổn định cuộc sống và sinh con", Reuters dẫn lời Giáo sư xã hội học Jung Jae-hoon tại trường Đại học Phụ nữ Seoul.
Kể cả việc tăng mạnh lãi suất của Hàn Quốc trong 3 năm qua cũng không ngăn được người trẻ chi tiêu. Dữ liệu của Ngân hàng Trung ương nước này cho thấy, tỷ lệ tiết kiệm của những người ở độ tuổi 30 đã giảm xuống 28,5% trong quý đầu tiên, từ mức 29,4% của 5 năm trước, trong khi tỷ lệ tiết kiệm của tất cả các nhóm tuổi khác đều tăng trong cùng thời kỳ.
Đồng thời, những người ở độ tuổi 20 và 30 là thành phần chi tiêu nhiều nhất tại các cửa hàng và khách sạn hàng đầu, trong khi chi tiêu cho du lịch của họ tăng lên 40,1% từ con số 33,3% trong 3 năm qua. Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, chỉ riêng năm ngoái, doanh thu tại các nhà hàng buffet đắt tiền đã tăng 30,3% so với mức tăng 10,5% của các điểm bán thức ăn nhanh và 9% của toàn ngành ăn uống.
Một khảo sát của Morgan Stanley năm 2023 cho thấy, thị hiếu của người Hàn Quốc đã khiến họ trở thành những người chi tiêu bình quân đầu người lớn nhất thế giới cho các thương hiệu xa xỉ, làm cho quốc gia này trở thành điểm đến hấp dẫn cho các thương hiệu xa xỉ nhất toàn cầu.
Và, theo khảo sát của PMI Co. hồi tháng 5, khó khăn về tài chính là lý do lớn nhất khiến nhiều người Hàn Quốc không sinh con. Khoảng 46% trong số 1.800 người được hỏi đổ lỗi cho những bất ổn trong công việc hoặc chi phí giáo dục. Tình hình càng xấu đi khi năm 2023, thu nhập hàng năm của những người ở độ tuổi 20 và 30 chỉ tăng 2%.
Ngọc Tuấn