Print

Công nhận 85 xã, phường, thị trấn ở Hà Nội đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã

Thứ Năm, 29 /08/2024 11:30

UBND TP.Hà Nội vừa quyết định công nhận 85 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã theo Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã tại Quyết định số 1300/QĐ-BYT ngày 11/7/2023 của Bộ Y tế. Theo đó, người dân có thêm điều kiện tốt để được chăm sóc sức khỏe ban đầu thường xuyên ngay tại cộng đồng, tiếp cận các dịch vụ y tế ngay từ cơ sở, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

85 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã gồm: Huyện Chương Mỹ có 21 đơn vị; thị xã Sơn Tây có 10 đơn vị; huyện Quốc Oai có 9 đơn vị; huyện Phúc Thọ có 8 đơn vị; quận Thanh Xuân có 7 đơn vị; quận Ba Đình có 6 đơn vị; huyện Thạch Thất có 5 đơn vị; huyện Ứng Hòa có 5 đơn vị; huyện Thanh Trì có 4 đơn vị; huyện Mỹ Đức có 4 đơn vị; huyện Mê Linh có 3 đơn vị; quận Hoàn Kiếm có 1 đơn vị; huyện Đông Anh có 1 đơn vị, huyện Gia Lâm có 1 đơn vị.

UBND Thành phố giao Sở Y tế là cơ quan đầu mối phối hợp với các sở, ban, ngành trong thành phố để hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện, theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã cho các quận, huyện, thị xã trên địa bàn; Giao UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân theo các tiêu chí.

Được biết, để củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, trước đó, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 239/KH-UBND triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư Kế hoạch. Theo đó, phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; gắn với triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của Nhân dân; phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở, xây dựng mạng lưới y tế rộng khắp và gần dân.

Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tạo điều kiện cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe thường xuyên ngay tại cộng đồng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Hiện nay, TP.Hà Nội đang tiếp tục hoàn thiện các mô hình tổ chức, quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị y tế cho tuyến y tế cơ sở, nhất là các trạm y tế xã, phường, thị trấn; Phấn đấu đến năm 2030, mỗi trạm y tế xã, phường, thị trấn có ít nhất một bác sĩ cơ hữu; mỗi thôn, bản có một nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn; 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; trên 95% dân số tham gia BHYT; trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được BHYT chi trả; trên 100% dân số được quản lý sức khoẻ; người có nguy cơ cao mắc bệnh được kiểm tra sức khoẻ ít nhất mỗi năm một lần, hướng tới kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho toàn dân.

Theo BHXH TP.Hà Nội, đến tháng 8/2024, toàn Thành phố có khoảng 8 triệu người tham gia BHYT (bao phủ 94,4% dân số), trong đó phần lớn đăng ký KCB ban đầu tại tuyến y tế cơ sở.

Nhằm chăm sóc sức khoẻ cho người dân, năm 2024, BHXH Thành phố đã ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 187 cơ sở y tế (với 609 điểm khám chữa bệnh, kết nối liên thông dữ liệu). Trong đó, có 25 BV tuyến Trung ương, 47 BV tuyến tỉnh, 99 BV tuyến huyện (bao gồm trạm y tế xã, phường, thị trấn), 16 cơ sở y tế cơ quan, đơn vị, trường học. Đối với y tế cơ sở, Hà Nội có 490/574 trạm y tế xã tham gia khám chữa bệnh BHYT.

Theo đánh giá, trong những năm qua, chất lượng KCB BHYT từ tuyến xã ngày càng được cải thiện, có thêm những loại thuốc mới, kỹ thuật, dịch vụ y tế được Quỹ BHYT chi trả, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận thuận lợi, bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro. Ngoài việc khám chữa bệnh thông thường, y tế cơ sở còn quản lý, theo dõi, chăm sóc người có bệnh mạn tính ngay trên địa bàn. Người bệnh không cần phải đi xa, tiết kiệm chi phí, công sức, từ đó, giúp họ và gia đình vượt qua khó khăn về kinh tế, yên tâm điều trị bệnh…

Châu Anh