Print

Hệ lụy dai dẳng của hội chứng COVID kéo dài

Thứ Năm, 29 /08/2024 15:18

Hội chứng COVID kéo dài (long COVID) đã đẩy khoảng 1 triệu người ra khỏi lực lượng lao động của nước này.

Trên đây là thông tin được Tạp chí Phố Wall đăng tải ngày 26/8, dẫn báo cáo của các nhà kinh tế Mỹ. Theo báo cáo, có tới hơn 5% số người trưởng thành tại nước này bị chứng "long COVID", phổ biến nhất ở người đang làm việc những năm đầu tiên. 

"Chưa bao giờ có nhiều người Mỹ thay đổi mối quan hệ của họ với công việc do một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng như vậy. Hơn 4 năm sau khi đại dịch bắt đầu, một số người vẫn đang tính toán cách cân bằng sinh kế và cuộc sống của mình với tình trạng long COVID, căn bệnh mãn tính mà các bác sĩ vẫn đang cố gắng tìm hiểu. Những người ở đỉnh cao sự nghiệp trong lĩnh vực tài chính, công nghệ và chăm sóc sức khỏe đang hoạt động mà không biết rõ khi nào hoặc liệu họ có thể tóm tắt những con đường mà mình vạch ra hay không", báo cáo phản ánh.

Báo cáo nêu dữ liệu từ một cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ rằng khoảng 3,6 triệu người chia sẻ rằng họ đã thay đổi đáng kể các hoạt động của mình vì hội chứng này.

Theo CDC Mỹ, "long COVID" là một tình trạng mãn tính với các triệu chứng kéo dài ít nhất 3 tháng sau khi nhiễm COVID. Các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, thay đổi trí nhớ, khó thở và khó tập trung.

Nhiều người có các triệu chứng "long COVID" cho biết tình trạng này có thể khiến những công việc đơn giản như trả lời thư điện tử cũng trở nên khó khăn. Họ phải cố gắng để tập trung dùng đúng từ ngữ và kiểm soát căng thẳng. Trong số nhiều triệu chứng có tình trạng suy nhược sau khi gắng sức, và tình trạng này có thể trở nên tồi tệ hơn sau hoạt động thể chất hoặc tinh thần dù chỉ rất nhỏ.

Tạp chí Y khoa JAMA mới đăng tải một nghiên cứu cho thấy "long COVID" có những tác động khác biệt lên nhóm đối tượng người mắc bệnh là thanh thiếu niên (12-17 tuổi) và trẻ em (6-11 tuổi).

Nghiên cứu được Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) hỗ trợ, có sự tham gia của 3.860 trẻ em và thanh thiếu niên có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 tại hơn 60 địa phương trên khắp nước Mỹ từ tháng 3/2022 đến tháng 12/2023.

Dựa vào khảo sát toàn diện do những người chăm sóc thực hiện, qua phân tích 75 triệu chứng COVID kéo dài, sức khỏe tổng thể, sức khỏe thể chất và chất lượng cuộc sống, nhóm chuyên gia đã xác định được 18 triệu chứng kéo dài phổ biến ở trẻ nhỏ, trong độ tuổi đi học (từ 6-11 tuổi). Khoảng 57% số trẻ ở độ tuổi này từng nhiễm COVID-19 phải trải qua các cơn đau đầu, 44% gặp khó khăn về ghi nhớ hoặc tập trung, 44% có vấn đề liên quan đến ngủ, và 43% bị đau dạ dày. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm đau cơ thể, đau cơ hoặc khớp, mệt mỏi, buồn ngủ vào ban ngày, năng lượng thấp, và cảm giác lo lắng.

Một cách tương đối, các nhà nghiên cứu đã xác định được 17 triệu chứng COVID kéo dài phổ biến ở thanh thiếu niên (12-17 tuổi). Triệu chứng phổ biến nhất- mệt mỏi vào ban ngày, buồn ngủ hoặc năng lượng thấp đã ảnh hưởng đến 80% các em. Ngoài ra, đau cơ thể, cơ hoặc khớp ảnh hưởng đến 60% thanh thiếu niên, trong khi đau đầu được báo cáo là 55%. Khó khăn về khả năng ghi nhớ và tập trung được xác định ở 47% thanh thiếu niên. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm lo lắng và khó ngủ.

Theo ông David Goff, Giám đốc bộ phận Khoa học Tim mạch tại Viện Tim, Phổi và Máu quốc gia thuộc NIH, hầu hết các nghiên cứu đặc trưng về các triệu chứng COVID kéo dài đều tập trung vào người lớn. Điều này có thể dẫn đến hiểu sai rằng COVID kéo dài hiếm gặp ở trẻ em hoặc các triệu chứng của chúng giống như của người lớn.

Một nghiên cứu khác nữa được công bố trên Tạp chí Nature Medicine chỉ ra rằng hiện có khoảng 400 triệu người trên toàn thế giới gặp các triệu chứng và di chứng hậu COVID-19.   

Hoàng Dương