Cần giảm rào cản để lao động di cư tham gia hệ thống an sinh
“Ký kết các Hiệp định song phương, đa phương là một trong những giải pháp nhằm giảm những rào cản, giúp lao động di cư tham gia vào hệ thống an sinh xã hội của quốc gia đến, bảo đảm lao động di cư được hưởng các quyền lợi của mình”- là những nội dung được các chuyên gia, diễn giả trong nước và quốc tế chia sẻ tại Hội thảo kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện Hiệp định song phương về BHXH, do BHXH Việt Nam tổ chức ngày 29/8 tại Hà Nội.
Bảo đảm an sinh xã hội cho lao động di cư
Chia sẻ tại Hội thảo, TS.Andre Gama- Giám đốc Chương trình An sinh xã hội (Tổ chức Lao động thế giới- ILO) cho biết, Công ước 102 của ILO về Tiêu chuẩn an sinh xã hội tối thiểu (cũng như các Công ước cập nhật khác trong lĩnh vực an sinh xã hội) đều chứa đựng các điều khoản rõ ràng về không phân biệt đối xử. Theo đó, Điều 68 của Công ước 102- Áp dụng cho tất cả các chế độ an sinh xã hội trong phạm vi của Công ước- nêu rõ nguyên tắc: Mọi công dân nước ngoài thường trú trong nước phải được hưởng những quyền giống như công dân chính quốc.
TS.Andre Gama- Giám đốc Chương trình An sinh xã hội (Tổ chức Lao động thế giới- ILO)
Tuy nhiên, TS.Andre Gama cũng đánh giá, hiện còn nhiều khó khăn, thách thức trong bảo đảm an sinh xã hội cho lao động di cư. Trong đó, phải kể đến như lao động di cư thường bị từ chối quyền lợi an sinh xã hội, vì hiếm khi được bao phủ bởi các chương trình an sinh xã hội do quốc tịch, không đáp ứng điều kiện hưởng hay như hạn chế quyền lợi hưởng...
Vì vậy, theo TS.Andre Gama, để thực hiện quyền an sinh xã hội của lao động di cư, cần phải giảm những rào cản- vốn có thể ngăn lao động di cư tham gia vào hệ thống an sinh xã hội của quốc gia đến; bảo đảm lao động di cư dược hưởng cáo quyền lợi của mình, kể cả sau khi họ đã trở về nước xuất xứ. “Trong đó, việc thực hiện các Hiệp định an sinh xã hội song phương, đa phương là một trong những giải pháp để giải quyết các rào cản khiến người di cư không được hưởng chế độ BHXH”- TS.Andre Gama lưu ý.
Cũng theo TS.Andre Gama, các Hiệp định song phương/đa phương là các hiệp ước nhằm mục đích phối hợp các chương trình an sinh xã hội của hai hay nhiều quốc gia, để khắc phục những rào cản có thể ngăn lao động di cư được hưởng các chế độ phúc lợi theo hệ thống của bất kỳ quốc gia nào mà họ đã làm việc.
Các chuyên gia quốc tế tham gia Hội thảo
Bên cạnh đó, việc xây dựng các Hiệp định nên dựa trên cơ sở là các văn bản chính sách quan trọng và tiêu chuẩn mà Tổ chức Lao động Quốc tế kêu gọi, để ký kết các Hiệp định an sinh xã hội như: Khung đa phương về Di cư lao động; Hiệp ước Toàn cầu về Di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên; Công ước ILO về Tiêu chuẩn an sinh xã hội tối thiểu; khuyến nghị về duy trì các quyền an sinh xã hội; báo cáo của ILO về bảo đảm an sinh xã hội cho NLĐ…
Đưa ra các khuyến nghị về bảo đảm quyền lợi cho lao động di cư, TS.Andre Gama đánh giá, một cách tiếp cận tiến bộ và lồng ghép kết hợp một số biện pháp chính sách bổ trợ lẫn nhau với nguyên tắc đối xử bình đẳng- như một khung khổ bao quát gồm: Xây dựng dần các hệ thống an sinh xã hội quốc gia bao phủ cả lao động di cư; hỗ trợ việc phê chuẩn các tiêu chuẩn của ILO có liên quan và các luật an sinh xã hội mới, sửa đổi; ký kết các Hiệp định an sinh xã hội giữa các quốc gia để bảo đảm phối hợp đáp ứng và chuyển dịch phúc lợi giữa các quốc gia dựa trên nguyên tắc đối xử bình đẳng.
“Khi xây dựng các Hiệp định an sinh xã hội, cần tập trung vào các phúc lợi dài hạn, cân nhắc chỉ áp dụng một số nguyên tắc phối hợp nhất định, đặc biệt là nguyên tắc dịch chuyển phúc lợi xuyên biên giới và đối xử bình đẳng; các nhóm đối tượng hưởng có thể được mở rộng dần dần…"-đại diện ILO nhấn mạnh.
Xây dựng các Hiệp định an sinh toàn diện
Là cơ quan được Chính phủ Hàn Quốc giao chủ trì xây dựng và triển khai Thỏa thuận thực hiện Hiệp định song phương về BHXH giữa Việt Nam và Hàn Quốc, và đã có nhiều thành công trong triển khai các Hiệp định cho lao động di cư với các quốc gia, ông Cho Yongkyu- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Hiệp định (Trung tâm Quan hệ Quốc tế, Cơ quan Hưu trí Quốc gia Hàn Quốc- NPS) đánh giá sự cần thiết của các Thoả thuận an sinh xã hội.
Ông Cho Yongkyu- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Hiệp định (Trung tâm Quan hệ Quốc tế, Cơ quan Hưu trí Quốc gia Hàn Quốc- NPS)
Lấy minh chứng từ Hàn Quốc, ông Cho Yongkyu cho biết, đến năm 2022, Hàn Quốc có 11.567 công ty hoạt động ở 86 quốc gia với gần 7,1 triệu người Hàn Quốc ở 193 quốc gia trên thế giới. Ngược lại, cũng có trên 2,4 triệu người nước ngoài đến từ 200 nước đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. Chính vì vậy, Chính phủ Hàn Quốc đã có những biện pháp giảm gánh nặng tài chính cho người SDLĐ và NLĐ bị mất việc. Đồng thời, mở rộng cơ hội nhận trợ cấp cho NLĐ và công dân của Hàn Quốc làm việc ở nước ngoài. Cùng với đó, giúp các công ty trong nước đầu tư ra nước ngoài, hỗ trợ người nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc nhận được trợ cấp hưu trí quốc gia của Hàn Quốc.
Chia sẻ về lịch sử xây dựng các Hiệp định an sinh xã hội với các quốc gia, ông Cho Yongkyu cho hay, dù hệ thống hưu trí quốc gia của Hàn Quốc bắt đầu triển khai từ năm 1988, đến năm 1993, Phòng Thương mại New York yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc ký kết Thỏa thuận an sinh xã hội giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Trên cơ sở đề xuất này, đến năm 1995, Hàn Quốc mới bắt đầu mở rộng phạm vi BHXH cho người nước ngoài. Đến năm 2024, Hàn Quốc đã ký kết Hiệp định an sinh xã hội với 43 quốc gia. Việc ký kết các Hiệp định đã giúp nhiều lao động nước ngoài ở Hàn Quốc và lao động Hàn Quốc ở nước ngoài được hưởng các quyền lợi an sinh xã hội. Theo đó, chỉ riêng năm 2023, đã có trên 1.000 lao động nước ngoài gửi đơn xin hưởng chế độ hưu trí mới thông qua NPS; đã có 132 người được hưởng chế độ hưu trí và 4.538 người được chi trả một lần.
Ông Cho Yongkyu cũng cho rằng, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký kết Hiệp định an sinh xã hội, cần có sự hợp tác và trao đổi chặt chẽ với Chính phủ. Cùng với đó, nên ưu tiên những quốc gia có nhiều lao động và cư dân di cư. Đồng thời, tiến hành nghiên cứu và phân tích sâu sắc về hệ thống hưu trí của các quốc gia khác. “Bên cạnh đó, để ký kết được các Thoả thuận với các quốc gia, điều cần thiết là phải đào tạo những cán bộ chuyên môn có khả năng ứng phó với những tình huống phức tạp trong các cuộc đàm phán Thoả thuận an sinh xã hội và nên thoả thuận mang tính tổng cộng thay vì thoả thuận miễn đóng góp”- ông Cho Yongkyu nhận định.
Ông Paul Erik D. Manalo- Vụ trưởng Vụ Hiệp định đa phương, Trưởng nhóm Hợp tác quốc tế của Cơ quan An sinh xã hội Philipines (SSS)
Tương tự, chia sẻ kinh nghiệm của Cơ quan An sinh xã hội Philipines (SSS) về xây dựng và thực hiện các Hiệp định song phương về an sinh xã hội, ông Paul Erik D. Manalo- Vụ trưởng Vụ Hiệp định đa phương, Trưởng nhóm Hợp tác quốc tế (SSS) cho hay, ước đến năm 2022, số lượng người Philipines ở nước ngoài khoảng 10,8 triệu người. Chỉ tính riêng số lao động Philipines đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2023 khoảng 2,3 triệu người, trong đó số đã đăng ký tham gia BHXH khoảng 1,75 triệu người.
Ông Paul Erik D. Manalo nhận định, lao động di cư phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như không được tham gia các chế độ BHXH ở nước sở tại, phải đáp ứng quy định về cư trú dài hạn để được hưởng quyền lợi BHXH, trong khi hầu hết các công việc đều là tạm thời, ngắn hạn; cùng với đó là khó khăn về thủ tục hành chính khi nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi BHXH khi trở về nước. "Với vai trò là cơ quan chủ trì, đến nay, SSS đã tham mưu đề xuất Chính phủ ký kết 16 Hiệp định song phương về an sinh xã hội và 1,6 triệu người Philipines đang ở các nước có Hiệp định với Philipines"- ông Paul Erik D. Manalo thông tin.
Ông Paul Erik D. Manalo chia sẻ thêm, đặc điểm nổi bật trong các Hiệp định song phương về an sinh xã hội của Philipines, đó là đối xử bình đẳng, dịch chuyển quyền lợi BHXH, cộng gộp thời gian đóng BHXH, hỗ trợ hành chính lẫn nhau và tránh đóng hai lần. “Với những điều kiện từ các Hiệp định song phương, đã góp phần bảo đảm quyền và lợi ích cho những lao động Philipines khi làm việc tại nước ngoài”- Paul Erik D. Manalo nói.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh
Đánh giá những bài học kinh nghiệm quý báu trong thực hiện các Hiệp định song phương, đa phương nhằm bảo đảm quyền lợi cho lao động di cư, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhận định, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, dịch chuyển lao động giữa các quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ, thì việc ký kết các Hiệp định về BHXH nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ là xu thế tất yếu. Và, trong xu thế chung, các Hiệp định không chỉ bao gồm tránh đóng song trùng BHXH, mà rất nhiều các nước đã tiến tới ký kết các nội dung liên thông chính sách BHXH nhằm bảo đảm các quyền lợi cho NLĐ khi tham gia BHXH.
Từ những chia sẻ của các diễn giả, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhận định, việc ký kết được các Hiệp định về an sinh xã hội còn đối mặt với nhiều thách thức như: Sự khác nhau trong tính pháp lý giữa các nước, khác nhau về thiết kế hệ thống an sinh xã hội của mỗi nước, khác nhau về nhu cầu của NLĐ từng nước, cũng như khác nhau về năng lực thực hiện của cơ quan an sinh xã hội từng nước.
“Tuy nhiên, từ bài học kinh nghiệm của các nước cho thấy, nếu chúng ta quyết tâm, thì sẽ vượt qua được các thách thức, để cùng nhau đạt được những thoả thuận từ Hiệp định đối với các quốc gia có lao động di cư. Qua đó, đảm bảo các chế độ, quyền lợi cho lao động di cư tham gia BHXH”- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh khẳng định.
Thủy Hà