Print

Khởi động chiến dịch toàn cầu chống bệnh đậu mùa khỉ

Thứ Sáu, 30 /08/2024 13:02

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa khởi động một chiến dịch toàn cầu mang tên "Kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược" nhằm ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) lây từ người sang người.

Kế hoạch dự kiến được thực hiện từ tháng 9/2024 đến tháng 2/2025, cần 135 triệu USD kinh phí. Bằng cách phối hợp các nỗ lực toàn cầu, khu vực và quốc gia, kế hoạch có mục đích tăng cường giám sát và phản ứng chiến lược, đảm bảo mọi người trên trên thế giới được tiếp cận công bằng với chẩn đoán và tiêm vắc xin phòng bệnh, giảm lây truyền bệnh từ động vật sang người, và tăng cường năng lực kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng.

Cụ thể, kế hoạch tiêm chủng nhắm đến những người có nguy cơ cao nhất, như những người tiếp xúc gần với ca bệnh và nhân viên y tế, qua đó cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Kế hoạch này cũng sẽ tập trung vào việc cung cấp định hướng chiến lược và hướng dẫn, cũng như đảm bảo các nhóm người dễ bị tổn thương trong các khu vực bị ảnh hưởng được tiếp cận điều trị y tế. 

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định các đợt bùng phát Mpox ở CHDC Congo và các nước lân cận có thể kiểm soát được và có thể ngăn chặn được.

Ngày 14/8, WHO đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ gây tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC), khi số ca mắc biến thể 1b (dễ lây lan và có nguy cơ gây tử vong cao hơn) tăng vọt tại CHDC Congo và lan rộng ra ngoài biên giới nước này. PHEIC là mức cảnh báo cao nhất của WHO đối với một dịch bệnh.

Ngày 27/8, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi thông báo có trên 22.800 ca mắc Mpox, trong đó có 622 trường hợp tử vong, phần lớn ở CHDC Congo- nơi hầu hết các ca bệnh ở trẻ dưới 15 tuổi. Đáng lưu ý, số ca nhiễm tại châu lục này đã tăng vọt 200% trong tuần qua. 

Bên ngoài châu Phi, Thụy Điển là quốc gia ngoài châu Phi đầu tiên ghi nhận người mắc biến thể clade 1b. Theo số liệu của WHO, biến thể này hiện gây tử vong ở khoảng 3,6% tổng số ca mắc.

WHO cho biết bệnh đậu mùa khỉ lây lan giữa người với người, chủ yếu thông qua tiếp xúc vật lý với người bị nhiễm virus. Trả lời tại cuộc họp báo ngày 27/8 ở Geneva, phát ngôn viên WHO Margaret Harris cho biết khả năng lây nhiễm bệnh là thấp nếu tiếp xúc gần với người bệnh. Tuy nhiên, WHO khuyến cáo bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ, những người tiếp xúc gần và nhân viên y tế điều trị cho họ cần đeo khẩu trang.

Từ Malaysia, các chuyên gia y tế cũng đưa ra lưu ý về cách phát hiện và điều trị bệnh đậu mùa khỉ. Giáo sư Rafdzah Ahmad Zaki, Tiến sĩ Lim Say Hiang và Tiến sĩ Lim Yin Cheng thuộc Khoa Y học xã hội và phòng ngừa dịch bệnh của Đại học Malaya, cho biết thời gian ủ bệnh của Mpox là từ 3-17 ngày và các triệu chứng bắt đầu từ 5-21 ngày sau khi bị nhiễm virus. Các triệu chứng phổ biến của bệnh bao gồm sốt, nhức đầu, đau họng, đau nhức cơ, sưng hạch bạch huyết và phát ban với mụn nước trên mặt, tay, chân, cơ thể, mắt, miệng hoặc bộ phận sinh dục.

Nhóm chuyên gia nêu rõ, mặc dù Mpox và COVID-19 đều do virus gây ra, hai dịch bệnh này khác nhau về nguồn gốc, triệu chứng, phương thức lây truyền và phương pháp điều trị, đồng thời cũng có các biểu hiện lâm sàng khác biệt. Họ nhấn mạnh, người không cần quá lo lắng hoặc hoảng sợ về bệnh đậu mùa khỉ vì virus gây bệnh này không lây truyền qua đường không khí như virus SARS-CoV-2, do đó nguy cơ lây truyền rộng rãi thấp hơn virus gây bệnh COVID-19.

Các chuyên gia khuyến cáo, trong thế giới đang đối phó với nhiều bệnh truyền nhiễm hiện có và mới xuất hiện, điều quan trọng là người dân phải phân biệt và hiểu được cách lây truyền, triệu chứng và các biện pháp phòng ngừa.

Họ cho biết, Mpox có hai phân nhóm clade 1 và clade 2. Trong đó, clade 1 được biết đến là nguyên nhân gây bệnh nghiêm trọng hơn và có tỷ lệ tử vong cao hơn. Chủng đột biến mới của clade 1 là clade 1b dường như lây lan chủ yếu qua đường tình dục và đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể ở CHDC Congo vào năm 2023.

Hoàng Dương