Tiếp tục làm rõ loại thuốc nào được bán qua sàn thương mại điện tử
Tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, một số đại biểu đề nghị làm rõ những loại thuốc nào được bán qua mạng, để tránh tình trạng thuốc bán tràn lan, thiếu kiểm soát.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã quy định cụ thể loại thuốc được kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử. Cụ thể, quy định “Thuốc được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử phải thuộc Danh mục thuốc không kê đơn, trừ thuốc thuộc Danh mục hạn chế bán lẻ, thuốc phải kiểm soát đặc biệt”; “Thuốc, nguyên liệu làm thuốc được bán buôn theo phương thức thương mại điện tử trừ các thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt”.
Bà Trần Thị Nhị Hà- Phó ban Dân nguyện của Quốc hội
Theo bà Trần Thị Nhị Hà- Phó ban Dân nguyện của Quốc hội, nội dung này đã được Ban soạn thảo chỉnh sửa rất nhiều lần. Qua đó, nổi lên 2 nội dung chính, đó là: Nếu bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử thì sẽ thực hiện danh mục thuốc không kê đơn. Tuy nhiên, Dự thảo quy định một hình thức nữa là bán buôn theo phương thức thương mại điện tử, tức là bán cả thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, các thuốc quản lý đặc biệt và nguyên liệu làm thuốc.
Cũng theo bà Hà, việc triển khai hình thức này sẽ rất vướng mắc, bởi nếu kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử sẽ khó phân biệt được hình thức bán buôn hay bán lẻ. Việc bán buôn thuốc không phải là bán nhiều, bán lẻ thuốc không phải là bán ít, mà bán buôn thuốc là bán cho một cơ sở có pháp nhân, bán lẻ thuốc là bán đến tay người tiêu dùng. Như vậy, cơ sở bán buôn thuốc cần phải chứng minh được mình bán cho ai, bán cho một nhà thuốc hoặc một công ty dược.
Đại diện lãnh đạo Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tham dự Hội nghị
Bên cạnh đó, pháp luật quy định, nếu cơ sở kinh doanh thuốc mà không bán đúng đối tượng vào các cơ sở có pháp nhân, thì bị phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng. Như vậy, trong giao dịch bán buôn thuốc thực tế thì cơ sở bán buôn thuốc có trách nhiệm xác định bên có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược để thực hiện việc mua bán. Trên môi trường thương mại điện tử, trách nhiệm này thuộc về bên bán thuốc hay là bên sàn thương mại điện tử? Sàn thương mại điện tử lại không phải là cơ sở kinh doanh dược, nên rất khó phân biệt được giữa hình thức bán buôn và bán lẻ.
Hơn nữa, việc quy định là thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, nguyên liệu làm thuốc thực sự cũng rất khó khăn, bởi vì có rất nhiều loại thuốc phải kê đơn theo giới hạn nồng độ. “Acyclovir là thuốc bôi ngoài da, nếu với nồng độ dưới 5% là thuốc không kê đơn, nhưng trên 5% lại là thuốc kê đơn. Như vậy, chúng ta rất khó phân biệt là thuốc kê đơn hay không kê đơn trên sàn giao dịch thương mại điện tử. “Đã thương mại điện tử thì chỉ bán thuốc không kê đơn- đây là mô hình rất nhiều nước đã áp dụng với thuốc không kê đơn”- bà Hà phân tích.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu ý kiến tại Hội nghị
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu rõ, dự luật quy định “thuốc bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử phải thuộc Danh mục thuốc không kê đơn, trừ thuốc thuộc danh mục hạn chế bán lẻ, thuốc phải kiểm soát đặc biệt” là đúng nhưng chưa đủ. Bởi việc KCB từ xa đang dần phát triển, nên phải là kê đơn điện tử, bệnh án điện tử… Vì vậy, Ban soạn thảo cân nhắc có thêm quy định cho phép bán thuốc qua mạng cho những trường hợp thực hiện KCB từ xa với hai điều kiện: Thuốc phải do một nhà thuốc có uy tín, được cho phép mới cung cấp thuốc; người giao hàng phải là người có đăng ký và nhà thuốc đó có danh sách quản lý. “Việc KCB từ xa, kê đơn từ xa để đưa thuốc đến là việc không ngăn chặn được, sớm muộn cũng xảy ra và xảy ra rất mạnh mẽ”- ĐB Trí nói.
Một điểm đáng lưu ý là quy định “giá bán buôn thuốc dự kiến là giá bán buôn tối đa do cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc xác định trước khi bán lô thuốc đầu tiên ra thị trường mà các cơ sở bán buôn thuốc không được bán cao hơn mức giá này”. Dự thảo cũng đưa ra các yêu cầu cụ thể về việc công bố, công bố lại, kê khai, niêm yết giá bán buôn thuốc dự kiến.
Nhấn mạnh giá thuốc là vấn đề nóng, được người dân và các cơ sở quan tâm, bà Trần Thị Nhị Hà cho rằng, cần thiết phải có biện pháp quản lý song việc yêu cầu “các cơ sở bán buôn thuốc không được bán cao hơn” mức giá công bố lại chưa thật chặt chẽ và công bằng. Đơn cử, theo quy định, có cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc hoàn toàn có thể nhập khẩu thuốc, rồi công bố giá thuốc dự kiến tối đa rất thấp, có thể không có lợi nhuận. Khi đó, các cơ sở bán buôn thuốc không được bán cao hơn mức giá đó thì gặp khó khăn, còn các nhà thuốc trong chuỗi lại có thể bán lẻ. “Khi đó gây tình trạng thuốc độc quyền, khó khăn cho nhà thuốc không thuộc chuỗi nhà thuốc. Do vậy, cần quy định hệ số bán lẻ với hoạt động của chuỗi nhà thuốc, đảm bảo bình đẳng dù có chuỗi hay không”- bà Hà phân tích.
V.Thu