Print

Chuyện bên lề về Ngày Lễ Độc lập năm 1945

Thứ Bảy, 31 /08/2024 10:54

Được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh giao, với trình độ và nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông Nguyễn Hữu Đang cùng những người yêu nước cùng thời đã chuẩn bị chu đáo cho Lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945.

Năm 1945, chàng trai Nguyễn Hữu Đang tròn 33 tuổi, là một trong những đại biểu trẻ tuổi tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào và được bầu vào Ủy ban Giải phóng Dân tộc (Ủy ban này gồm 15 người do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu).

Bản vẽ thiết kế Lễ đài độc lập ngày 2/9/1945 của Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh

Trước Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo với ông Nguyễn Hữu Đang: Chính phủ lâm thời quyết định làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào vào ngày mồng hai tháng chín. Chú có đảm đương được việc tổ chức buổi lễ không?. Ông Đang thưa với Cụ Hồ: Thưa Cụ, việc Cụ giao là quá khó vì gấp quá rồi (chỉ còn 4 ngày). Cụ Hồ nói ngay: Có khó thì mới giao cho chú chứ!

Và, ông Nguyễn Hữu Đang được Cụ Hồ trao quyền: Có thể huy động tất cả những gì cần thiết cho buổi lễ, về người cũng như về của. Nếu ai hỏi huy động theo lệnh của ai thì ông Đang được phép trả lời: Theo lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với trình độ, nhiệt huyết của tuổi trẻ và sự ủng hộ nhiệt thành của những người yêu nước cùng thời, mọi công việc chuẩn bị cho Lễ Tuyên ngôn độc lập đã hoàn thành. Đặc biệt, ông đã tập hợp được các kiến trúc sư thiết kế lễ đài, các kíp thợ trực tiếp thi công. Đồng thời, ông Đang cũng kêu gọi nhân dân hiến tặng vật liệu, cung cấp thiết bị kỹ thuật, thiết bị âm thanh cũng như mọi điều kiện tốt nhất để phục vụ ngày Lễ độc lập.

Kế hoạch tiến hành Lễ độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời chấp thuận cho triển khai. Đúng 14 giờ ngày 2/9/1945, các thành viên của Chính phủ lâm thời bước lên lễ đài tại Quảng trường Ba Đình trong tiếng nhạc Tiến Quân ca hùng tráng, lá cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên. Trong sự trang nghiêm nhưng vô cùng xúc động, Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào, với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ông Nguyễn Hữu Đang và nhạc sĩ Văn Cao- tác giả Quốc ca tại sự kiện do Báo Lao Động tổ chức

Sau Lễ Tuyên ngôn độc lập, Chính phủ chính thức được thành lập, ông Nguyễn Hữu Đang được phân công giữ chức Thứ trưởng Bộ Thanh niên, rồi Thứ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền.

Nói đến ông Nguyễn Hữu Đang, không thể không nói đến việc ông cùng với các ông Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng… đã sáng lập và tổ chức Hội Văn hóa Cứu quốc năm 1943. Ông Nguyễn Hữu Đang cũng là một trong những thủ lĩnh của Hội Truyền bá học chữ quốc ngữ do cụ Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng, cùng với các nhân sĩ trí thức yêu nước như Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Xiển, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Văn Giáp…

Các ông nghiên cứu, bình dân hóa việc học chữ cho những người chưa từng cầm bút, để bà con dễ học, dễ nhớ và đến sau này nhiều thế hệ hậu sinh vẫn được dạy:

I Tờ hai móc cả hai

I ngắn có chấm, Tờ dài có ngang

O tròn như quả trứng gà

Ô thời đội mũ, Ở là thêm râu

Các ông cũng đã lục bát hóa các dấu thành thơ kiểu như:

Huyền ngang, Sắc dọc, Nặng tròn

Hỏi lom khom đứng, Ngã… buồn nằm ngang!

Với lòng yêu nước nồng nàn, bất kể ở hoàn cảnh nào hoặc vị trí công tác nào, ông Đang vẫn một lòng thủy chung son sắt với đất nước, với quê hương.

Sau này, ông Nguyễn Hữu Đang được công nhận là lão thành cách mạng, được hưởng chế độ hưu trí ở mức hàm Thứ trưởng. Ông mất ngày 8/2/2007, hưởng thọ 94 tuổi, kết thúc một cuộc đời đa sự, nhiều gian khổ và tự hào.

Tang lễ ông được tổ chức tại Nhà Tang lễ Quốc gia, do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học Việt Nam, Báo Văn nghệ… đồng tổ chức với ngập tràn vòng hoa trắng. Cụ Nguyễn Hữu Đang trở về với đất mẹ Thái Bình trong niềm thương tiếc của nhân dân.

Toàn Thắng