Print

Nhiều “trợ lực” phục hồi nền kinh tế

Thứ Sáu, 06 /09/2024 10:17

Trong 8 tháng năm 2024, số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động vẫn đang gia tăng so với DN rút lui khỏi thị trường. Đây là chiều hướng tích cực của nền kinh tế, tuy nhiên các số liệu cũng cho thấy sự “rụt rè” hơn của các DN khởi nghiệp, khi số vốn và số lao động mới được DN đăng ký giảm hơn so với cùng kỳ năm trước.

Gia tăng DN gia nhập thị trường

Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố sáng nay (ngày 6/9/2024) cho thấy, mặc dù số DN mới thành lập trong tháng 8 đã giảm so với tháng trước, nhưng đồng thời số DN rút lui khỏi thị trường cũng giảm đi đáng kể. Cụ thể, trong tháng 8, cả nước có 13,4 nghìn DN thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 124,6 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 71,8 nghìn người, giảm 15,2% về số DN, giảm 6,2% về vốn đăng ký và giảm 12,1% về số lao động so với tháng 7/2024. So với cùng kỳ năm trước, giảm 12,8% về số DN, giảm 16,2% về số vốn đăng ký và giảm 22,6% về số lao động. Bên cạnh đó, cả nước còn có gần 8,5 nghìn DN quay trở lại hoạt động, tăng 12,7% so với tháng trước và tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Cũng trong tháng 8, có 5.334 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 1,6% so với tháng trước và tăng 3,0% so với cùng kỳ năm 2023; 5.160 DN tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 4,5% và giảm 1,1%; có 1.927 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 11,4% và tăng 26,0%.

Tính chung 8 tháng năm 2024, cả nước có gần 110,8 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 994,7 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký hơn 672,4 nghìn người, tăng 4,4% về số DN, tăng 0,7% về vốn đăng ký và giảm 1,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, cả nước có hơn 57,3 nghìn DN quay trở lại hoạt động (tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 8 tháng năm 2024 lên gần 168,1 nghìn DN (tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023). Trong khi đó, số DN rút lui khỏi thị trường bình quân một tháng là 16,9 nghìn DN.

Xu hướng đáng ghi nhận khác là sự chuyển dịch kinh tế đến những ngành nghề có thu nhập cao hơn. Theo khu vực kinh tế, 8 tháng năm 2024 có 1.090 DN thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước; 25,7 nghìn DN thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 1,4%; gần 84 nghìn DN thuộc khu vực dịch vụ, tăng 5,5%.

Sự phục hồi sản xuất kinh doanh của các DN cũng tiếp tục được khẳng định với cán cân thương mại hàng hóa trong 8 tháng năm 2024 đạt xuất siêu 19,07 tỷ USD. Theo đó, trong tháng 8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 70,65 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,8%, nhập khẩu tăng 17,7%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 73,88 tỷ USD, tăng 21%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 191,21 tỷ USD, tăng 13,9%, chiếm 72,1%...

Tăng nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế

Sự phục hồi của nền kinh tế cũng tiếp tục được “trợ lực” từ chủ trương thúc đẩy đầu tư công từ nguồn NSNN, đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện. Tính chung 8 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN ước đạt 47,8% kế hoạch năm, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước.

Đồng thời, xu hướng tích cực trong thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn đang được duy trì. Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/8/2024 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Số vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2024 ước đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số FDI thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua.

Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 11,28 tỷ USD, chiếm 79,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,27 tỷ USD, chiếm 9,0%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 542,3 triệu USD, chiếm 3,8%...

Nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước phục hồi, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại-dịch vụ từ đầu năm đến nay. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2024 tăng nhẹ 0,4% so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 14,3%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 26,2%.

Thu NSNN 8 tháng năm 2024 ước tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước. Chi NSNN ước tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

Theo khảo sát tình hình đời sống của hộ dân cư tháng 8/2024, tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập trong tháng không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ năm trước là 96,1% (tăng 0,3 điểm phần trăm so với kỳ báo cáo tháng 7/2024 và tăng 1,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước). Công tác bảo đảm an sinh xã hội vẫn luôn được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, trong 8 tháng năm nay, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ cho người dân hơn 21,3 nghìn tấn gạo. Trong đó: Chính phủ hỗ trợ 10,4 nghìn tấn gạo cứu đói nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn cho 693,4 nghìn nhân khẩu; hỗ trợ hơn 5,9 nghìn tấn gạo cứu đói giáp hạt năm 2024 cho 396,3 nghìn nhân khẩu; các địa phương cũng xây dựng kế hoạch, chủ động bố trí ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ gần 5 nghìn tấn gạo cho các hộ nghèo, cận nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn.

Thái An