Hàn Quốc dốc sức giải quyết khủng hoảng y tế
Chính phủ Hàn Quốc, ngày 8/9, chấp nhận đề xuất đàm phán 4 bên về vấn đề chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y và kêu gọi cộng đồng y tế đưa ra kế hoạch riêng về hạn ngạch cho năm 2026.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng y tế ở nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á ngày càng trầm trọng.
Cụ thể, chính phủ Hàn Quốc đã hoan nghênh và đồng ý với đề xuất mà đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đưa ra hôm 6/9 rằng cần thành lập một cơ quan tham vấn 4 bên bao gồm chính phủ, đảng PPP cầm quyền, đảng Dân chủ đồng hành (DP) đối lập và cộng đồng y tế, nhằm cùng tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng y tế đang diễn ra liên quan đến việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc khẳng định sẵn sàng bắt đầu đàm phán "từ con số 0" về hạn ngạch tuyển sinh năm 2026 nếu cộng đồng y khoa đưa ra lựa chọn hợp lý. Điều này cho thấy lập trường mới nhất của chính phủ có vẻ linh hoạt hơn vì đã sẵn sàng bàn về các lựa chọn tuyển sinh mà không có điều kiện tiên quyết hoặc kế hoạch cố định trong các cuộc đàm phán với cộng đồng y khoa. Nó cũng có nghĩa là chính phủ có thể không nhất quyết duy trì kế hoạch tăng hạn ngạch lên 2.000 sinh viên y khoa mỗi năm trong vòng 5 năm, mà tùy thuộc vào thương thảo với cộng đồng y khoa.
Trước đó, chính phủ Hàn Quốc giữ quan điểm rằng có thể thảo luận về phương án điều chỉnh hạn ngạch tuyển sinh trường y từ năm 2026 nhằm đưa thực tập sinh và bác sĩ nội trú quay trở lại bệnh viện khi nhiều cơ sở y tế trên toàn nước này đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng.
Tuy nhiên, cộng đồng y tế cho rằng sự điều chỉnh về quan điểm như trên của chính phủ là chưa đủ mà cần phải hủy bỏ toàn bộ kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngay từ năm 2025. Yêu cầu này của cộng đồng y tế Hàn Quốc không được chấp nhận, vì chính phủ đã hoàn thiện các chi tiết tăng chỉ tiêu cho năm sau vào tháng 6 vừa qua và quá trình cho kỳ thi tuyển sinh đại học đang được tiến hành. Việc nộp đơn xin nhập học sớm dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 9/9. Chính phủ cho rằng đã quá muộn để trường học và học sinh hủy bỏ hoặc điều chỉnh việc tăng chỉ tiêu cho năm học 2025.
Việc tăng hạn ngạch tuyển sinh trường y là một phần trong kế hoạch cải cách y tế tổng thể của Tổng thống Yoon Suk Yeol, đã làm bùng nổ làn sóng đình công của các bác sĩ mới ra trường, vốn là lực lượng hỗ trợ cấp cứu và chăm sóc y tế tại các bệnh viện lớn, hồi tháng 2 năm nay. Tình hình càng thêm trầm trọng khi các bên không thể tìm được tiếng nói chung để đạt đến giải pháp đồng thuận.
Các bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú nghỉ làm hàng loạt khiến chất lượng dịch vụ y tế bị cắt giảm và gián đoạn. Một số bệnh nhân thậm chí bị phòng cấp cứu từ chối tiếp nhận dù họ cần được chăm sóc khẩn cấp.
Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết, tính đến 5/9, chỉ có 88 trong số 180 phòng cấp cứu của các bệnh viện lớn vẫn cung cấp dịch vụ y tế. Bộ trưởng Bộ này, ông Cho Kyoo-hong, tuyên bố, tình hình hiện tại không phải là "cuộc khủng hoảng y tế với hoạt động chăm sóc bệnh nhân cấp cứu trên bờ vực sụp đổ" nhưng các phóng viên của báo JoongAng Ilbo cho rằng thực trạng chẳng khác nào "khoảng lặng trước cơn bão".
Trong một diễn biến mới cùng ngày 8/9, chính phủ Hàn Quốc thông báo miễn truy cứu trách nhiệm cho các bác sĩ quân y và bác sĩ bệnh viện công trong trường hợp có thiệt hại do sơ suất y tế, nhằm tạo điều kiện cho họ khi hỗ trợ cho những phòng cấp cứu đang bị thiếu nhân lực. Theo Bộ Y tế nước này, các bệnh viện đã ký giấy đồng ý chịu trách nhiệm đền bù trong trường hợp xảy ra sơ suất y tế liên quan đến những bác sĩ được điều động nói trên, với giá trị đền bù lên tới 20 triệu Won (khoảng 15.000 USD).
Từ ngày 4/9, có 250 bác sĩ quân y của Hàn Quốc đã được điều động đến các phòng cấp cứu và cơ sở y tế đang thiếu nhân sự. Tuy nhiên, họ gặp nhiều trở ngại khiến một số từ chối tham gia chữa trị hoặc quay trở lại đơn vị.
Hoàng Dương