Print

Người Hong Kong không muốn rời khỏi thôn làng

Thứ Ba, 10 /09/2024 20:52

Vài tháng nữa, ông La Nguyệt Bình sẽ phải tạm biệt Trà Quả Lĩnh, ngôi làng đã tồn tại hàng thế kỷ, nơi mà ông coi là quê nhà tại Hong Kong trong hơn 70 năm qua.

Làng Trà Quả Lĩnh nằm ở phía Đông bán đảo Cửu Long (Hong Kong), có rất nhiều ngôi nhà nhỏ và tòa nhà được xây dựng từ đá granit cũ, tương phản rõ rệt với các cao ốc hiện đại hiện diện phần lớn tại trung tâm tài chính châu Á này.

Một người đàn ông đi qua làng Trà Quả Lĩnh (Cửu Long, Hong Kong)

Ông La Nguyệt Bình, 72 tuổi, đã sống cả cuộc đời ở đây và hiện bà là một trong số 860 hộ gia đình được yêu cầu di dời theo kế hoạch tái phát triển của Chính phủ: “Tôi sẽ nhớ mãi lịch sử dày dặn, nền văn hóa độc đáo và tình làng nghĩa xóm, những yếu tố định hình nên cuộc sống ở Trà Quả Lĩnh. Tôi không muốn từ bỏ bất cứ điều gì”.

Việc phá dỡ làng Trà Quả Lĩnh dự kiến sẽ bước vào giai đoạn cuối cùng vào năm 2025- điều này được xem là động thái nhằm “xóa sổ” những khu vực lụp xụp còn sót lại của Hong Kong, để hoàn toàn bước sang kỷ nguyên của nhà ở xã hội. Đối với những người dân làng hay du khách, việc này quả là điều đáng tiếc, bởi ngôi làng này là nhân chứng chứng kiến sự chuyển mình của Hong Kong từ một làng chài, một khu thuộc địa Anh trở thành một trung tâm công nghiệp và cuối cùng là một trung tâm tài chính toàn cầu.

Ông La Nguyệt Bình đang lau chùi đạo cụ dùng để múa lân tại làng Trà Quả Lĩnh

Ban đầu là khu định cư của người Khách Gia (hay người Hẹ), Trà Quả Lĩnh đón nhận dòng người nhập cư từ Trung Quốc Đại lục đổ đến trong nhiều năm. Một số người nhập cư đến vào khoảng cuối những năm 1940 và 1950, chạy trốn khỏi cuộc Nội chiến Trung Quốc hoặc tìm kiếm cơ hội kinh tế tốt hơn. Làn sóng nhập cư đã làm tăng dân số Hong Kong từ 600.000 người vào năm 1945 lên 2 triệu người vào năm 1950. Không đủ khả năng mua nhà, nhiều người nhập cư đã xây nhà gỗ nhỏ, hình thành nên các thôn làng. Năm 1953, ước tính có khoảng 300.000 người sống trong các thôn làng như vậy trên khắp lãnh thổ Hong Kong.

Nhà nghiên cứu Charles Phùng Chí Cường, tác giả của một cuốn sách nghiên cứu về nhà ở Hong Kong, mô tả: “Trong thời kỳ là thuộc địa của Anh, do chưa có quy định Chính phủ phải đền bù bằng tiền mặt hay phân nhà ở xã hội khi tiến hành kế hoạch tái phát triển, nên Chính phủ có thể phá dỡ các công trình nhà ở của người nhập cư mà chỉ cần thông báo trước. Điều này khiến người nhập cư có xu hướng lén lút xây nhà vào ban đêm và thường chọn những nơi khó tìm thấy dọc theo sườn đồi. Mặc dù có vẻ tạm bợ nhưng các thôn làng lại đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nền kinh tế của Hong Kong. Tuy nhiên, cháy nổ luôn là mối lo ngại và thúc đẩy quá trình tái định cư cư dân vào nhà ở xã hội”.

Bà Trương Phong Hoa, một Hoa Kiều gốc Malaysia chuyển đến Trà Quả Lĩnh sau khi kết hôn với một người dân làng vào năm 1973

Ở góc nhìn người dân, ông La Nguyệt Bình bày tỏ sự e ngại về việc chuyển đến sống ở một tòa nhà cao tầng, bởi bà có một cuộc đời đầy kỷ niệm ở thôn làng. Từ việc tham gia đội múa lân khi còn nhỏ, kế đến là tình nguyện viên phục vụ trong đội phòng cháy chữa cháy của thôn, sau đó là tài xế tại mỏ đá của Trà Quả Lĩnh- nơi cung cấp đá để xây dựng các công trình kiến trúc cho Hong Kong, Quảng Châu (Trung Quốc) và Đông Nam Á. “Tôi đã quen với cuộc sống ở Trà Quả Lĩnh. Trước đây, từng có thời gian buộc phải di dời vì một trận hỏa hoạn, song tôi và một số cư dân cũ vẫn trở lại, duy trì mối quan hệ với cộng đồng và sinh sống đến nay”- ông nói.

Còn bà Trương Phong Hoa, một Hoa Kiều gốc Malaysia chuyển đến Trà Quả Lĩnh sau khi kết hôn với một người dân làng vào năm 1973, vẫn tiếp tục mở cửa hàng tạp hóa ở Trà Quả Lĩnh mặc dù bà không còn sống ở làng nữa. “Ở Trà Quả Lĩnh tôi có rất nhiều hàng xóm láng giềng, chúng tôi thưởng trò chuyện, tổ chức ăn lẩu hay BBQ, đó là những ngày vui vẻ nhất trong cuộc đời của tôi. Tôi sẽ đóng cửa tạp hóa khi Trà Quả Lĩnh bị tháo dỡ, sau đó thì nghỉ hưu thôi. Chúng tôi chắc chắn phải chia tay Trà Quả Lĩnh, không gì có thể thay đổi, cuộc sống là như vậy”- bà bùi ngùi.

Tùng Anh (Theo AsiaOne)