Đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo có bước cải thiện và nâng cao
Sáng 11/9, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, thực tiễn triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua còn nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng của các chương trình.
Trong năm 2023 và đầu năm 2024, trên cơ sở báo cáo của Đoàn Giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình Mục tiêu Quốc gia và ý kiến của Chính phủ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 108/2023/QH15 về giám sát chuyên đề Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030, Nghị quyết số 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia nhằm thúc đẩy tiến độ, hiệu quả thực hiện các chương trình. “Năm nay là năm thứ tư thực hiện Chương trình, tuy nhiên, qua triển khai cho thấy còn nhiều khó khăn, thách thức làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng của Chương trình như việc giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2024 đến hết tháng 6/2024 đạt thấp (23,62%), đặc biệt là vốn sự nghiệp (18,65%)”- bà Thúy Anh khẳng định.
Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 năm 2024, ông Lê Văn Thanh- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, năm 2024, Chương trình góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 1%, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm trên 3% (riêng các huyện nghèo, giảm tỷ lệ nghèo từ 4- 5%). Chương trình tập trung hỗ trợ người nghèo, người dân sinh sống vùng nghèo, vùng khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có việc làm, sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các địa phương vùng “lõi nghèo”, vùng Tây Nguyên, các tỉnh phía Tây của Tổ quốc, vùng nghèo, vùng khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn góp phần giảm nghèo bền vững. Việc tiếp tục thực hiện Chương trình góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, giữ vững ổn định xã hội, an ninh chính trị ở các địa bàn khó khăn, vùng “lõi nghèo”, khu vực trọng yếu trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, công tác rà soát, xây dựng, ban hành một số quy định về quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP) và Nghị quyết số 111/2024/QH15 tại một số địa phương còn chậm. Số lượng văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình lớn. Đến nay, còn một nội dung chưa được hướng dẫn (đối tượng “người lao động có thu nhập thấp” thực hiện Tiểu dự án 1 Dự án 4) và còn một nội dung vướng mắc về đối tượng thụ hưởng Tiểu dự án 1 Dự án 6. Việc phân bổ vốn của một số địa phương còn chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ thời gian.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn gặp khó khăn trong cân đối nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình. Một số địa phương đề xuất, phê duyệt danh mục một số dự án đầu tư còn dàn trải, manh mún, trùng lắp, chưa đúng mục tiêu của Chương trình là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 24 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của năm 2024. Việc triển khai thực hiện Chương trình đã đạt được một số kết quả tích cực, đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo có bước cải thiện, nâng cao. Đồng thời, các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến làm rõ, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, các dự án, tiểu dự án của Chương trình gắn với việc xây dựng, phân bổ kế hoạch vốn và giải ngân vốn, nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế và các giải pháp thực hiện trong các tháng cuối năm 2024. Cụ thể, Chương trình đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như: Đời sống người nghèo, hộ cận nghèo, địa bàn nghèo có bước cải thiện, nâng cao; đã cơ bản thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm. Một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, được phát hiện qua giám sát của Quốc hội đã được Quốc hội, Chính phủ, các địa phương tháo gỡ, hướng dẫn, giải quyết.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng chỉ rõ, kết quả thực hiện mục tiêu chung về giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm tuy đạt và vượt mục tiêu được giao song vẫn chưa có sự kết nối, liên thông với thực hiện đạt được chỉ tiêu, chỉ số mục tiêu giảm nghèo đa chiều; yêu cầu về tính , bao trùm, bền vững của Chương trình còn có hạn chế, trong đó có việc; chưa thực sự cải thiện, nâng cao cuộc sống người dân một cách thực chất, hạn chế được tái nghèo và phát sinh nghèo, nhất là việc giao chỉ tiêu 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn vào năm 2025.
Chính vì vậy, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, các bộ ngành trình Quốc hội, Ủy ban TVQH việc chuyển vốn ngân sách nhà nước năm 2024 và các năm trước chưa sử dụng hết được kéo dài sang năm 2025; rà soát một số nội dung còn có khó khăn, vướng mắc liên quan đến Quyết định 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các văn bản khác của Chương trình để kịp thời sửa đổi, bổ sung. Cần ban hành chính sách bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động theo Chỉ thị số 05 nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trong năm 2025, xây dựng, ban hành chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2026- 2030, xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026- 2030, trong đó có các chương trình mục tiêu quốc gia để sớm trình Quốc hội xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư. Ngoài ra, cần sớm ban hành Quyết định về chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021- 2025 để Ngân hàng chính sách xã hội có nguồn vốn thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo vì mức hỗ trợ nhà ở từ NSNN còn thấp so với nhu cầu thực tế xây dựng, sửa chữa nhà ở.
V.Thu