Print

Cứu bệnh nhân phình động mạch chủ

Thứ Tư, 11 /09/2024 18:15

Ông T.V.N (61 tuổi, trú tỉnh Cà Mau) là bệnh nhân khiến các bác sĩ BV S.I.S Cần Thơ phải rất khó khăn lựa chọn hướng điều trị, bởi tính phức tạp và khả năng tài chính có hạn của bệnh nhân. Đáng nói là, mọi chuyện phải diễn ra nhanh trước khi túi phình động mạch chủ bụng bị vỡ.

Sự phức tạp về điều trị nằm ở chỗ, ông N. bị phình động mạch chủ bụng dưới thận 6,5 cm dọa vỡ gây tử vong; đính kèm đó còn phình động mạch chậu phải 4,5 cm và tắc động mạch vành trái. Sự phức tạp về điều tiết tài chính giúp bệnh nhân có cơ hội điều trị nằm ở chỗ, mổ mội soi đặt stent thì nhẹ gánh chuyên môn cho bác sĩ nhưng nặng gánh viện phí cho bệnh nhân (stent động mạch chủ bụng trên dưới nữa tỷ đồng); mổ hở thay đoạn phình bằng ống ghép nhân tạo thì nhẹ tiền bệnh nhân (khoảng 80 triệu đồng chưa tính BHYT hỗ trợ), song rất nặng gánh chuyên môn cho bác sĩ bởi quá nhiều rủi ro.

Trước đó, ông N. có các biểu hiện về tim mạch như nặng ngực và khó thở, đã thăm khám tại các cơ sở y tế khác. Tuy nhiên, do căn bệnh phức tạp với phình mạch máu động mạch chủ bụng, nên ông cần được điều trị tại nơi có khả năng thực hiện phẫu thuật và can thiệp nội mạch. Vì vậy, hồi cuối tháng 7 vừa qua, ông N. tới BV S.I.S Cần Thơ với hy vọng được điều trị khỏi bệnh với chi phí vừa phải. Sau khi thăm khám và chụp CT mạch máu, các bác sĩ ghi nhận ông N. bị tắc động mạch vành trái, phình động mạch chủ bụng dưới thận 6,5 cm, kèm theo phình động mạch chậu phải 4,5 cm.

Sau khi hội chẩn đa chuyên khoa, các bác sĩ quyết định can thiệp mạch vành trước, rồi mới tiến hành phẫu thuật. Điều này nhằm nâng cao tỷ lệ thành công và đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Kíp bác sĩ tại S.I.S Cần Thơ đã thực hiện nong mạch vành cho bệnh nhân và chờ tình trạng ổn định mới tiếp tục tiến hành phẫu thuật thay đoạn phình. “Sau phẫu thuật thay đoạn phình bằng ống ghép nhân tạo, bệnh nhân đã ổn định, các mạch máu được kiểm tra cho thấy thông máu tốt. Sau 30 ngày can thiệp điều trị, bệnh nhân đã được xuất viện”- BS.CK1.Dương Hải Minh, Khoa Ngoại tổng hợp, BV S.I.S Cần Thơ thông tin.

Bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng dưới thận và phình động mạch chậu đối diện với rất nhiều nguy cơ. Một số yếu tố nguy cơ có thể xảy ra trong mổ như nguy cơ chảy máu, nguy cơ suy thận, nguy cơ thủng ruột do bệnh nhân mắc nhiều bệnh nền, đặc biệt là mạch vành. Do đó, cần phải thực hiện phẫu thuật một cách chính xác. Bên cạnh đó, nếu không điều trị sớm, nguy cơ vỡ phình và tử vong rất cao, dù là phẫu thuật cấp cứu hay mổ chương trình, vì mạch máu ở bụng là mạch máu lớn nhất cơ thể.

“Đối với các túi phình lớn hơn 5 cm, cần thực hiện phẫu thuật. Hiện có hai phương pháp điều trị: Một là can thiệp nội mạch, bác sĩ sẽ sử dụng stent để thay thế đoạn phình. Phương pháp này ít xâm lấn, nhưng bệnh nhân phải dùng thuốc suốt đời và chi phí cao. Hai là mổ hở - phương pháp kinh điển, thay thế đoạn phình bằng ống ghép nhân tạo. Phương pháp này có chi phí thấp hơn, nhưng nguy cơ phẫu thuật cao hơn nếu bệnh nhân mắc nhiều bệnh nền”- BS.Minh giải thích.

Thông thường các túi phình nhỏ hơn 5 cm thường không có triệu chứng và chỉ được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ. Chỉ khi túi phình lớn hơn mới có thể xuất hiện các triệu chứng không điển hình như đau bụng đột ngột lan sau lưng dữ dội, tay chân lạnh, toát mồ hôi, tụt huyết áp.... “Bệnh nhân mắc nhiều bệnh nền nên thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa tim mạch và phẫu thuật mạch máu, với các trang thiết bị cần thiết để chẩn đoán sớm, chính xác và hỗ trợ can thiệp kịp thời”- chuyên gia khuyến cáo thêm.

Thanh Giang