Print

Tìm giải pháp kết nối DN và NLĐ khu vực phía Nam

Thứ Năm, 12 /09/2024 12:22

Ngày 12/9, Báo Người Lao Động tổ chức Tọa đàm Xu hướng và giải pháp cho thị trường tuyển dụng lao động số lượng lớn. Hoạt động với mục tiêu hướng tới một thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững, hội nhập và cung cấp những thông tin hữu ích từ các chuyên gia trong lĩnh vực tuyển dụng và việc làm. Tọa đàm có sự tham gia của Lãnh đạo Văn phòng đại diện Bộ LĐ-TB&XH tại TP.HCM; Sở LĐ-TB&XH các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP.HCM... cùng hàng trăm đại diện DN.

Phát biểu tại Tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân nhấn mạnh, thị trường lao động Việt Nam dù đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn tồn tại những mặt hạn chế như sự mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu. Báo Người Lao Động phối hợp cùng Việc làm tốt và các đơn vị đồng hành tổ chức Toạ đàm nhằm cung cấp thêm những thông tin hữu ích, những đề xuất đột phá, những bài học tâm huyết từ các DN…

Ông Phạm Văn Cẩn- Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) thông tin, 9 tháng đầu năm 2024, TP.HCM có xu hướng nhu cầu tuyển dụng tăng cao, đặc biệt ở các ngành công nghiệp công nghệ, dịch vụ, hành chính và bất động sản; DN ưu tiên tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực CNTT kế toán- kiểm toán, marketing. Trên cơ sở phân tích, Trung tâm đưa ra dự báo nhu cầu nhân lực 3 tháng cuối năm của TP.HCM sẽ cần khoảng từ 78.120– 83.328 lao động.

Trong khi đó, tại Bình Dương,nhu cầu tuyển dụng của DN từ nay đến cuối năm ước tính khoảng 40.000 - 50.000 lao động, tập trung ở các lĩnh vực như may mặc, điện tử, gỗ và ép nhựa. Còn tại tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2024 đến nay, đơn hàng đã bắt đầu khởi sắc hơn so với năm 2023, nhưng khó tuyển nhân sự. Do đó nhiều DN phải bố trí nhân sự về các tỉnh miền Tây và Tây Nguyên tuyển lao động. Bên cạnh đó nhiều DN thâm dụng lao động đang thực hiện các giải pháp như cải thiện chính sách tiền lương, nâng cao phúc lợi để thu hút và giữ chân NLĐ…

Riêng tại các KCX-CN TP.HCM, ông Đàm Trung Hiếu- Phó Trưởng Phòng Quản lý Lao động Ban Quản lý các KCX-CN TP.HCM cho hay, nhu cầu tuyển dụng tại các DN trong KCX-CN hiện nay cần tổng số lao động 7.392 người. Bên cạnh các giải pháp đã thực hiện, ông Hiếu cho rằng, để giữ chân NLĐ thì các DN phải đảm bảo về tiền lương, chính sách BHXH, BHYT; song song đó đảm bảo các nhu cầu sống như nhà lưu trú, nhà trẻ, chăm sóc sức khỏe…

Bà Hoàng Thị Minh Ngọc- Giám đốc Vận hành Chợ Tốt kiêm Giám đốc Việc Làm Tốt cho biết, số liệu phân tích của đơn vị cho thấy nhu cầu tuyển dụng trong 8 tháng đầu năm trên nền tảng tăng trưởng 30% so với cùng kỳ 2023, tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các nhóm nghề Tài xế và Kho vận; Công nhân; Xây dựng và Bất động sản có tốc độ tăng trưởng tuyển dụng cao nhất. Với đà phục hồi của kinh tế từ đầu năm đến nay, 85% DN trả lời khảo sát của Việc Làm Tốt cho biết họ đang gặp phải tình trạng thiếu lao động. Hơn thế nữa, 30% DN trong số đó đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng khi thiếu hơn một nửa so với nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn đang tồn tại bất cập. Theo số liệu của Cục Việc làm, có hơn 1.06 triệu người trong độ tuổi lao động không có hoặc thiếu việc làm, không tham gia lao động, trong khi các DN vẫn tuyển không được người với hơn 836.000 việc làm LĐPT cần tuyển.

“Có 3 thách thức lớn nhất trong tuyển dụng nhân sự số lượng lớn đang gặp phải, đó là: Hiệu suất tuyển dụng: sàng lọc hồ sơ ứng viên chưa được tối ưu hóa. Trong đó, 40% nhà tuyển dụng chia sẻ phải mất quá nhiều thời gian để liên hệ và sàng lọc do hồ sơ ứng viên không đầy đủ; Sự phù hợp yêu cầu của ứng viên: 14% ứng viên đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chuyên môn, kỹ năng mềm và thái độ mà nhà tuyển dụng đặt ra; Sự cạnh tranh của các công ty trong ngành: việc điều chỉnh mức lương thưởng là ưu tiên hàng đầu của các DN để thu hút ứng viên”– bà Ngọc chỉ ra 3 thách thức lớn trong tuyển dụng.

Về phía các DN, bà Đặng Hồng Liên- Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết, sau dịch Covid-19, DN có đơn hàng trở lại nên có nhu cầu tuyển dụng 2.000 NLĐ. Công ty cũng hợp tác với Việc Làm Tốt để tuyển và cũng nhận được khá nhiều ứng viên. Đồng thời nhờ công nhân công ty và những địa phương có NLĐ đang làm việc giới thiệu… Hiện mới tuyển được 1.000 người và đang cần thêm 1.000 lao động. Tại Tọa đàm, nhiều DN cũng đã chia sẻ khó khăn trong công tác tuyển dụng lao động cũng như kinh nghiệm của mình trong việc thu hút nhân lực đến làm việc.

Trao đổi tại Tọa đàm, ông Phạm Anh Thắng– Trưởng Văn phòng đại diện Bộ LĐ-TB&XH tại TP.HCM nhấn mạnh, phải nhìn nhận thực tế là tỷ lệ NLĐ qua đào tạo hiện nay rất cao nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo mà có bằng cấp, chứng chỉ lại không cao. Bởi, một phần DN tự đào tạo cho NLĐ sau khi tuyển dụng song họ không có chức năng cấp bằng cấp, chứng chỉ cho NLĐ đó. Bên cạnh đó, một số nghề, lao động đang thu hút lao động nhưng chưa được định danh, không được ký HĐLĐ, tham gia BHXH, BHYT như chạy xe công nghệ, giao hàng…

Mặt khác, lao động đang có sự dịch chuyển về địa lý. Cụ thể NLĐ đang có sự dịch chuyển dần về các địa phương. Với cùng một mức lương, NLĐ có xu hướng chọn về các địa phương có mức sống thấp hơn. Do vậy, các DN trong lĩnh vực thâm dụng lao động cũng đang có xu hướng dịch chuyển nhà máy về các địa phương để tận dụng NLĐ.

“Để đạt hiệu quả tuyển dụng, bên cạnh chính sách về tiền lương, BHXH, BHYT đầy đủ thì DN phải có các phúc lợi như nhà ở, nhà trẻ, song song với đó là họ phải được tôn trọng và có cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, cả nước có 1.886 cơ sở đào tạo nghề trên cả nước, hoàn toàn đủ điều kiện đào tạo cho DN. Các DN cần liên kết với các cơ sở đào tạo này để đào tạo NLĐ để có được lực lượng lao động có tay nghề”– ông Phạm Anh Thắng chia sẻ.

Phạm Thọ