Print

Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển

Thứ Bảy, 14 /09/2024 19:05

Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động được các nguồn lực, tạo không gian phát triển mới cho đất nước trong giai đoạn mới. Đồng thời, xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; lấy người dân, DN làm trung tâm, chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân và DN.

Ngày 14/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 9/2024, xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 3 dự án luật và 2 đề nghị xây dựng luật. Tham dự Phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Bùi Thanh Sơn, Hồ Đức Phớc; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Tại Phiên họp, Chính phủ cho ý kiến về 3 dự án luật gồm: Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Đồng thời, cho ý kiến về 2 đề nghị xây dựng luật gồm: Đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi).

Trên cơ sở các ý kiến phát biểu, góp ý, phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, sau một ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi với tinh thần trách nhiệm cao, Chính phủ đã hoàn thành 5 nội dung quan trọng. Đồng thời, Thủ tướng đánh giá cao Bộ Tư pháp và các Bộ chủ trì đã nỗ lực, tích cực chuẩn bị, trình các nội dung. Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến hợp lý của các thành viên Chính phủ và các đại biểu, hoàn thiện các đề nghị, dự án luật theo quy định, bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, các Phó Thủ tướng được phân công theo lĩnh vực phụ trách quan tâm, trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện 5 nội dung quan trọng nêu trên.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm liên quan công tác thể chế, Thủ tướng cho biết, khối lượng công việc rất lớn do đòi hỏi của thực tiễn, trong khi phải dành thời gian, công sức cho nhiều nhiệm vụ quan trọng khác. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội thông qua 15 dự án luật, trình Quốc hội cho ý kiến 10 dự án luật. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phát huy tinh thần vì nhân dân phục vụ, càng làm càng tốt hơn, xứng đáng với sự tin tưởng, mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ưu tiên thời gian, tập trung nguồn lực cao nhất, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật để trình Quốc hội theo đúng quy định; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, tạo sự đồng thuận trong quá trình thẩm tra, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội; tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, đối tượng tác động…

Theo Thủ tướng, quá trình xây dựng, hoàn thiện các dự án luật phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động được các nguồn lực, tạo không gian phát triển mới cho đất nước trong giai đoạn mới. Đồng thời, xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; lấy người dân, DN làm trung tâm, chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân và DN, khuyến khích người dân và DN, các chủ thể liên quan tham gia đóng góp xây dựng, hoàn thiện pháp luật.

Thủ tướng nêu rõ, trong việc xây dựng các dự án luật, cần cố gắng chuẩn bị, trình trong thời gian ngắn nhất có thể, đáp ứng kịp thời các diễn biến nhanh chóng và yêu cầu cấp bách của thực tiễn; nỗ lực, quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc pháp lý trong thực tiễn và trình bày, lập luận thuyết phục, tạo sự đồng thuận của xã hội, người dân, DN và các cơ quan chức năng. Đáng chú ý, xây dựng quy định phải rõ ràng nhưng không quá cứng nhắc; tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để; huy động, phân bổ các nguồn lực có hiệu quả; nâng cao năng lực thực thi, thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực.

Cùng với đó, phải cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, góp phần giảm chi phí cho DN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xóa bỏ cơ chế xin cho, giảm các khâu trung gian. Kiểm soát quyền lực; không để xảy ra tình trạng cài cắm quy định lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hoặc tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực trong các dự án luật. Ngoài ra, việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật phải kịp thời, không để xảy ra khoảng trống pháp lý, vướng mắc gây khó khăn cho địa phương, DN, người dân, ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của luật.

PV