Việt Nam- Điểm đến của điện ảnh thế giới?
Thời gian qua, một số bộ phim “bom tấn” của Hollywood được quay bối cảnh tại các địa danh nổi tiếng của nước ta như: Quảng Ninh, Quảng Bình, Ninh Bình. Điều này cho thấy, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn của điện ảnh thế giới nếu biết cách đầu tư!
Một buổi tọa đàm có tiêu đề “Việt Nam- Điểm đến mới của điện ảnh thế giới” vừa được tổ chức tại Hà Nội. Tại tọa đàm, các chuyên gia đã gợi mở nhiều ý hay để Việt Nam không chỉ thu hút khách du lịch quốc tế, mà còn các nhà làm phim từ kinh đô điện ảnh thế giới.
Theo thống kê mới nhất của Cục Du lịch Quốc gia, thời gian qua, điện ảnh đã và đang góp phần không nhỏ quảng bá danh lam thắng cảnh, giá trị văn hóa, di sản của các vùng miền Việt Nam đến với công chúng trong và ngoài nước, thu hút khách du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Một số tác phẩm điện ảnh được sản xuất trong nước đã tạo được dấu ấn, định hướng thị hiếu, thu hút lượng lớn du khách tới điểm đến, địa danh xuất hiện trong bối cảnh phim.
Nhấn mạnh điều này, ông Hà Văn Siêu- Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia cho biết: “Những điểm đến và quốc gia xuất hiện trong các bộ phim “bom tấn” được công chúng yêu thích luôn tạo ra tác động mạnh đến hoạt động du lịch, kéo theo sự tăng trưởng bùng nổ cả về lượng khách và doanh thu. Thực tế đã minh chứng, nhiều bộ phim với cốt truyện hay, cảnh quay đẹp, diễn xuất ấn tượng, sau khi được sản xuất và công chiếu đã có ảnh hướng lớn đến sự phát triển du lịch tại nơi được lựa chọn làm bối cảnh của bộ phim”.
Điển hình có thể kể đến Ninh Bình. Theo ông Bùi Văn Mạnh- Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, Khu Du lịch Tam Cốc-Bích Động sau khi trở thành bối cảnh quay xuất hiện trong phim điện ảnh “Đông Dương” (1992) đã thu hút nhiều du khách ghé thăm, phần lớn đến từ Pháp. Còn sau khi phim “bom tấn”- “Kong: Skull Island” (2017) quay tại Khu Du lịch Tràng An, thì Ninh Bình cũng đã đẩy mạnh việc tái hiện lại bối cảnh quay, trường quay bộ phim này, thu hút đông đảo khách du lịch. Chỉ tính tới thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19, đã có tới 6-7 triệu lượt khách đến Ninh Bình, trong đó khách tham quan Tràng An chiếm hơn 60%.
Gợi ý để Việt Nam thu hút được nhiều hãng phim quốc tế, TS.Nguyễn Văn Tình- nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ VH-TT&DL) cho rằng, việc quan trọng đầu tiên là đối tác Việt Nam cần đọc kịch bản trước khi trình hồ sơ xin phép lên Cục Điện ảnh. Nếu kịch bản có nội dung vi phạm các quy định của Luật Điện ảnh mà chúng ta thấy khó có thể sửa chữa được, thì nên từ chối trước khi trình xin phép quay phim, để khỏi mất thời gian và tiền bạc cho cả 2 phía. Bởi, thực tế đã có đoàn làm phim “Ngày mai không bao giờ chết” muốn quay tại vịnh Hạ Long, đầu tư 4 triệu USD cho giai đoạn chuẩn bị quay, thì nước ta từ chối cấp phép, gây hậu quả không tốt cho uy tín và việc hợp tác điện ảnh với nước ngoài.
Thông tin về vấn đề này, bà Ngô Phương Lan- Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam cho biết, Luật Điện ảnh 2022 có nhiều tiền đề, khung pháp lý để tạo cơ chế. Về thủ tục có đơn giản hơn. Cụ thể, trước đây nếu chỉ quay 1/10 diễn biến bộ phim ở Việt Nam thì Nhà nước vẫn duyệt kịch bản 100%; còn hiện nay chỉ cần tóm tắt kịch bản phần không quay ở Việt Nam, còn chỉ cần cung cấp 100% kịch bản phần quay ở Việt Nam cho Bộ VH-TT&DL để cấp phép.
Ngoài vấn đề cấp phép, Việt Nam cũng cần tính đến đầu tư các đơn vị sản xuất, hậu cần phục vụ các đoàn làm phim một cách chuyên nghiệp, bảo đảm các yêu cầu quốc tế. Có như vậy mới mong cảnh quan nước Việt thu hút được các nhà làm phim ngoại.
Minh Anh