Print

Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì Hội nghị về Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội

Thứ Ba, 17 /09/2024 12:21

Sáng 17/9, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng chủ trì Hội nghị giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ về Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ tổ chức Hội nghị này để rà soát các nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp. Hội nghị được thực hiện trước thời điểm diễn ra Kỳ họp một tháng, để các cơ quan soạn thảo, thẩm tra có thời gian thực hiện theo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời nhằm thảo luận, thống nhất về nội dung chương trình Kỳ họp thứ 8, nhất là cho ý kiến về tiến độ, thời gian, chất lượng theo quy định, việc chuẩn bị nội dung những dự án luật, nghị quyết để bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ 8 theo chương trình rút gọn.

Theo kế hoạch, Kỳ họp thứ 8- kỳ họp dự kiến khối lượng công việc trình Quốc hội xem xét, quyết định nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay. Theo đó, Kỳ họp thứ 8 sẽ khai mạc vào ngày 21/10/2024 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 3/12/2024. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 21/10 đến 12/11/2024; đợt 2 từ ngày 20/11 đến 3/12/2024. Tại Kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó có 29 nội dung về công tác lập pháp, 10 nhóm nội dung về kinh tế-xã hội, NSNN, giám sát, nhân sự và quyết định các vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền.

“Các thành viên Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ cùng tập trung rà soát, xem xét những dự án luật, nghị quyết nào đã cơ bản hoàn thành để trình Quốc hội; rà soát công tác chuẩn bị, chất lượng nội dung các dự án luật, nghị quyết dự kiến đề nghị bổ sung vào chương trình, nhất là các dự án trình thông qua tại Kỳ họp theo quy trình, thủ tục rút gọn. Đồng thời, tập trung thảo luận những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của các dự án luật, nghị quyết”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thời gian qua, công tác phối hợp giữa Chính phủ và các cơ quan Quốc hội ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng, thực chất và hiệu quả. Các cơ quan đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chuẩn bị từ sớm, từ xa, làm việc ngày đêm để chuẩn bị cho các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội. Trong bối cảnh hiện nay, cơn bão số 3 vừa qua diễn biến rất phức tạp, hậu quả để lại rất nặng nề và cho đến thời điểm này chưa thống kê hết những thiệt hại. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lại thêm khó khăn mới, thách thức mới.

Do đó, Chính phủ phải đứng trước khó khăn, áp lực thêm trong việc thu chi ngân sách, thực hiện mục tiêu tăng trưởng, đảm bảo ổn định vĩ mô của nền kinh tế, kiềm chế lạm phát và tăng giá các mặt hàng để đảm bảo đời sống cho người dân. “Vì vậy, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ tiếp tục phối hợp thực chất, hiệu quả, thể chế kịp thời, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn vì sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo đời sống người dân và thúc đẩy tăng trưởng”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, các cơ quan Quốc hội luôn sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ nghiên cứu các dự án luật, nghị quyết mà Chính phủ trình. Tuy nhiên, chất lượng các dự án luật, nghị quyết trước hết là do các cơ quan của Chính phủ chủ trì soạn thảo. Đồng thời, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Phó Chủ tịch, Chủ tịch Quốc hội phải làm việc liên tục để đảm bảo phối hợp nhịp nhàng, thực chất, chất lượng và hiệu quả.

“Cần sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là thay đổi tư duy, cách làm trong xây dựng luật, đảm bảo đơn giản hóa, tăng cường phân cấp, phân quyền, đẩy nhanh tiến độ... để những việc chưa thống nhất, chưa đồng thuận giữa các cơ quan thẩm tra và soạn thảo sẽ được thực hiện theo tinh thần khó đến đâu, gỡ đến đó”- Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội 74 hồ sơ, tài liệu, tờ trình. Trong đó có 15 dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua; 10 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến; 16 tờ trình, báo cáo tại hội trường; 33 báo cáo gửi đại biểu Quốc hội nghiên cứu. Đến nay, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội 18 hồ sơ, tài liệu.

Nguyệt Hà