Print

Linh hoạt giải quyết nhanh những phát sinh trong bão lũ, đảm bảo quyền lợi KCB BHYT

Thứ Tư, 18 /09/2024 08:33

Đã một tuần trôi qua kể từ ngày BV Hòe Nhai cơ sở 2 (phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) bị ngập sâu do mực nước sông Hồng dâng cao. Đó cũng là quãng thời gian 159 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại đây được kịp thời chuyển đến những BV khác để tiếp tục điều trị như: BV Thận Hà Nội, BV Xanh Pôn… mà vẫn đảm bảo quyền lợi thanh toán BHYT cũng như không cần giấy chuyển viện. Sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời của các cấp, các ngành, trong đó có cơ quan BHXH khiến người bệnh BHYT hài lòng và yên tâm điều trị tại cơ sở mới.

Ông Lê Văn Sinh (74 tuổi, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa) là một trong những bệnh nhân được di chuyển khẩn cấp vào ngày 11/9- khi nước sông Hồng dâng cao, gây ngập nặng tại BVĐK Hòe Nhai cơ sở 2. “Tôi đã chạy thận ở đây suốt 11 năm. Khi thấy nước dâng, các y bác sĩ đã nhanh chóng đưa tôi ra khỏi BV, rồi di chuyển thẳng tới BV Thận Hà Nội để tiếp tục điều trị. Mọi thủ tục BHYT đều được giải quyết nhanh chóng, khiến tôi thực sự an tâm”- ông Sinh chia sẻ.

Bà Hoàng Thị Hải Yến (60 tuổi, quận Ba Đình) cho biết, bà đã phải đối mặt với căn bệnh đái tháo đường trong suốt 25 năm và hiện nay đang phải chạy thận định kỳ. Khi nước lũ dâng, bà Yến cũng được cơ quan BHXH tạo điều kiện chuyển đến BV Thận Hà Nội và được y bác sĩ của BV Hòe Nhai và BV Thận Hà Nội phối hợp điều trị. “Các thủ tục ở đây đều rất nhanh gọn, có nhân viên của BV Hòe Nhai trực tại chỗ để hỗ trợ. Tôi rất hài lòng với dịch vụ chăm sóc tại BV Thận Hà Nội và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các BV”- bà Yến xúc động nói.

Là một trong những người trực tiếp điều trị cho những bệnh nhân thận nhân tạo ở BV Hòe Nhai, BS.Nguyễn Thị Tuyết- Phó Trưởng khoa Thận nhân tạo chia sẻ: “Hiện BV đang điều trị thường xuyên cho 159 bệnh nhân thận nhân tạo. Mỗi tuần bệnh nhân phải đến BV 3 lần để lọc máu và lấy thuốc, với chi phí trung bình mỗi bệnh nhân khoảng 10 triệu đồng/tháng. Đấy là chưa kể nhiều bệnh nhân tuổi cao, mắc nhiều bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp… khiến chi phí điều trị rất lớn. Vì vậy, với họ, BHYT thực sự là cứu cánh quan trọng”.

Trong bối cảnh nước lũ gây ngập sâu, BV Hòe Nhai vừa phải nỗ lực bảo vệ tài sản, máy móc, trang thiết bị y tế; vừa khẩn trương di chuyển bệnh nhân lên tầng trên hoặc phối hợp với Sở Y tế Hà Nội chuyển bệnh nhân đến những BV khác để đảm bảo việc điều trị không bị gián đoạn. Hiện nay, công tác KCB đang dần trở lại bình thường; dự kiến từ ngày 23/9, Khoa Thận nhân tạo sẽ tiếp tục đón bệnh nhân trở lại điều trị.

Ngày 10/9- trước khi nước sông Hồng dâng cao, BHXH TP.Hà Nội đã chủ động đề nghị các cơ sở KCB đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi cho người tham gia BHYT. Đồng thời, phối hợp kịp thời giải quyết các vướng mắc về thủ tục KCB BHYT, đảm bảo tất cả người bệnh được KCB thuận lợi và nhanh nhất, không yêu cầu người bệnh phải có giấy chuyển tuyến trong trường hợp cấp cứu.

Trường hợp mất điện hoặc không có mạng internet để cập nhật dữ liệu bệnh nhân lên hệ thống, thì thực hiện trực tiếp; ưu tiên KCB cho người bị bệnh hiểm nghèo, nguy cấp hoặc tai nạn, bị thương đến từ vùng ảnh hưởng của bão lũ. Đặc biệt, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, thiết bị y tế phục vụ công tác KCB BHYT (mua sắm trực tiếp, điều chuyển thuốc...); tuyệt đối không để người bệnh tự mua thuốc, thiết bị y tế thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT; kịp thời chuyển ngay bệnh nhân lên tuyến trên trong trường hợp cơ sở KCB không đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Trường hợp phát sinh vướng mắc liên quan việc giải quyết chế độ BHYT, đề nghị cơ sở KCB thông tin cho giám định viên để kịp thời phối hợp giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh BHYT theo quy định.

Đặc biệt, tại những cơ sở KCB bị ngập lụt, chia cắt, mất điện như BV Hòe Nhai (Hà Nội), các thủ tục được kịp thời giải quyết nhanh gọn, giúp người bệnh được chuyển đến BV khác để chữa bệnh mà vẫn đảm bảo quyền lợi BHYT và không cần giấy chuyển viện. Có thể nói, tinh thần khẩn trương, hành động hết mình của đội ngũ CBVC BHXH TP.Hà Nội đã giúp người dân an tâm chữa bệnh, vượt qua những khó khăn trong giai đoạn thiên tai. Đây là minh chứng rõ ràng cho cam kết bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân của ngành BHXH trong mọi hoàn cảnh.

Trong khi đó, tại Quảng Ninh, đội ngũ CBVC của BHXH tỉnh cũng không quản ngại khó khăn, phối hợp sát sao với ngành Y tế và các BV giải quyết quyền lợi cho người bệnh BHYT trên tinh thần “giải quyết ngay, nhanh, thuận tiện nhất, cải cách nhất”.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Mai Thanh Huyền- Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giám định BHYT (BHXH tỉnh Quảng Ninh) cho biết, ngày 7/9/2024, cơn bão số 3 trực tiếp đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh, gây thiệt hại rất nặng nề. Hệ thống điện, nước bị mất diện rộng, hệ thống viễn thông, mạng internet bị mất kết nối, gián đoạn, có thời điểm tê liệt hoàn toàn. Đáng chú ý, nhiều cơ sở KCB bị ngập nước, kho chứa tài liệu, hồ sơ bị ảnh hưởng nặng nề; nhiều thiết bị y tế bị hỏng do ngập nước…

Nhằm bảo đảm quyền lợi KCB BHYT, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã, thành phố và cơ sở KCB triển khai linh hoạt các giải pháp đảm bảo quyền lợi, tuyệt đối không để người dân không được KCB, không được chăm sóc sức khỏe do các gián đoạn về giao thông, hạ tầng cơ sở vật chất… Đồng thời, chuyển ngay bệnh nhân lên tuyến trên nếu cơ sở KCB không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn.

Cùng với đó, BHXH tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện phân công cán bộ thường trực tại các cơ sở KCB để kịp thời giải quyết ngay những vướng mắc về thủ tục KCB cho người bệnh như: Gia hạn thẻ BHYT, giấy chuyển viện (thực hiện trực tiếp khi không có mạng internet); ưu tiên KCB đối với người bị bệnh hiểm nghèo, nguy cấp hoặc bị tai nạn, bị thương đến từ vùng bị bão lũ gây ra.

Đáng chú ý, sau bão số 3, BVĐK tỉnh Quảng Ninh bị thiệt hại nặng nề cơ sở vật chất, phải cố gắng duy trì hoạt động cấp cứu, phẫu thuật, chạy thận và điều trị các trường hợp không thể trì hoãn. Tuy nhiên, do bị thiếu nước sạch trầm trọng, nên BV không đủ phục vụ duy trì cho người bệnh chạy thận nhân tạo, không đủ nước để súc rửa tái sử dụng quả lọc theo quy định, việc thực hiện kỹ thuật thận nhân tạo cho người bệnh chỉ có thể sử dụng quả lọc dùng 1 lần thay vì tái sử dụng quả lọc như trước đây.

Theo bà Mai Thanh Huyền, ngay sau khi nắm bắt thông tin, để bảo đảm kịp thời quyền lợi cho người bệnh, Phòng Giám định BHYT đã cử cán bộ có mặt trực tiếp tại BV để kiểm tra và xác định tình trạng hỏng hóc, đồng thời báo cáo lãnh đạo BHXH tỉnh và Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) về tình trạng trên, để xin ý kiến chỉ đạo thống nhất để BV thực hiện sử dụng quả lọc dùng một lần kịp thời điều trị bệnh cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Theo đó, tính từ ngày 8/9 đến hết ngày 13/9, đã có 420 lượt chạy thận với 420 quả lọc thận được BVĐK tỉnh Quảng Ninh sử dụng phục vụ điều trị kịp thời cho bệnh nhân.

“Bên cạnh phối hợp với các cơ sở KCB kịp thời khắc phục hậu quả sau bão lũ, bảo đảm quyền lợi KCB cho người bệnh, công tác KCB BHYT cũng được triển khai đầy đủ như đơn giản các thủ tục KCB, cung ứng thuốc, vật tư, thiết bị y tế, tạm ứng kinh phí. BHXH tỉnh đã đồng hành cùng cơ sở KCB tập trung nhân lực phục vụ, đơn giản hóa các TTHC, để tạo điều kiện cho người bệnh nhập viện khám, điều trị thuận lợi”- bà Huyền chia sẻ.

Thực hiện: Hà Hùng- Hà Thủy

Trình bày: Hà Hùng