Print

“Dễ sử dụng, tiện lợi, rẻ tiền”: Nhựa dùng một lần “thách thức” thế giới

Thứ Năm, 19 /09/2024 12:46

Mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 400 triệu tấn rác thải nhựa, phần lớn trong số đó bị thải bỏ chỉ sau vài phút sử dụng. Mặc dù các quốc gia có nhiều khả năng đạt được hiệp ước đầu tiên về ô nhiễm nhựa trong năm nay, thế nhưng nhựa dùng một lần vẫn rất phổ biến vì “dễ sử dụng, tiện lợi, rẻ tiền”.

Bangkok (Thái Lan)

Trên một con phố ở Bangkok (Thái Lan) với nhiều quầy bán đồ ăn đường phố, khách hàng xếp hàng rất đông để mua những món ngọt truyền thống nổi tiếng của Maliwan. Bánh lớp hấp màu xanh lá dứa hoặc màu tím đậu biếc được bỏ trong túi nilon, bên cạnh là bánh pudding khoai môn đựng trong hộp nhựa. Mỗi ngày, cửa tiệm 40 năm tuổi này sử dụng ít nhất 2kg nhựa dùng một lần các loại. “Nhựa, nilon dễ sử dụng, tiện lợi và rẻ tiền. Lúc trước, chúng tôi thường dùng lá chuối, song ngày càng đắt đỏ và khó tìm. Ngoài ra, cũng khó sử dụng vì phải lau rửa và kiểm tra từng chiếc một để tránh bị rách, điều này không thực tế với tốc độ bán hàng của chúng tôi”- Watchararas Tamrongpattarakit, chủ cửa tiệm Maliwan cho biết.

Ảnh chụp vào tháng 6/2023, một con voi hoang dã đang kiếm ăn tại một bãi rác ở quận phía Đông Ampara (Sri Lanka)

Watchararas Tamrongpattarakit cho biết thêm, cửa tiệm đã cố gắng sử dụng ít túi nilon hơn và khuyến khích khách hàng mang theo túi, hộp có thể tái sử dụng để mua hàng để hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ. Tuy nhiên, Radeerut Sakulpongpaisal, nhân viên ngân hàng và là khách hàng trung thành với Maliwan trong 30 năm qua, lại cho biết: "Tôi cũng hiểu tác động tiêu cực của rác thải nhựa đến môi trường. Nhưng khi chưa tìm được giải pháp thay thế hữu hiệu, túi, hộp dùng một lần dễ sử dụng hơn cho cả cửa tiệm và khách hàng".
Thái Lan đã bắt đầu ban hành các quy định hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, trong đó, yêu cầu các nhà bán lẻ lớn ngừng phát túi nilon miễn phí. Nhưng quy định này phần lớn đã bị bỏ qua, khi người bán đồ ăn đường phố và thực khách cả nước không hưởng ứng. Theo Cục Kiểm soát Ô nhiễm Thái Lan, quốc gia này thải ra 2 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, 11% số đó không được tái chế hay xử lý đúng quy trình.

Lagos (Nigeria)

Tại khu chợ Obalende ở trung tâm Thủ đô kinh tế Lagos (Nigeria), những túi nước đã dùng xong nằm rải rác trên mặt đất. Mỗi ngày, ông Lisebeth Ajayi, chủ một cửa hàng tạp hóa, chứng kiến hàng chục khách hàng dùng răng xé những túi nước để uống: “Một bộ phận khách hàng của tôi không có tiền để mua nước đóng chai, đó là lý do tại sao họ sử dụng nước đựng trong túi nilon. 2 túi 500ml có giá bán từ 50 đến 250 Naira (3-15 cent USD), trong khi 1 chai nước 750ml là 250-300 Naira”.

Kể từ khi xuất hiện vào những năm 1990, túi nnước đã trở thành vật dụng gây ô nhiễm chính ở nhiều nơi tại châu Phi, song chúng vẫn được người dân ưa chuộng để uống, nấu ăn và thậm chí là giặt giũ. Hiện 200 công ty sản xuất túi nilon ở Lagos, hàng trăm công ty khác tái chế nhựa đang hoạt động nhưng nguồn cung vượt xa khả năng cung cấp ở một quốc gia có ít thùng rác công cộng và ít giáo dục về môi trường này. Lagos đã cấm nhựa dùng một lần vào tháng 1/2024, đến nay vẫn chưa có nhiều hiệu quả và LHQ ước tính có tới 60 triệu túi nước bị vứt bỏ trên khắp Nigeria mỗi ngày.

Một công nhân với những mảnh vỡ của vật liệu nhựa đã qua xử lý tại một nhà máy tái chế nhựa ở Tangerang (Banten, Indonesia)

Rio de Janeiro (Brazil)

Mate hay còn gọi là cimarrón (tiếng Tây Ban Nha) hoặc chimarrão (tiếng Bồ Đào Nha), là một loại đồ uống truyền thống của Nam Mỹ, có hàm lượng cao chất caffeine. Mỗi ngày, những người bán hàng rong đi dọc bãi biển ở Rio de Janeiro, mang theo những thùng kim loại đựng đầy thứ đồ uống nhẹ này, rót vào cốc nhựa dùng một lần, để phục vụ du khách. “Uống mate là một phần trong văn hóa của Rio de Janeiro”- Arthur Jorge da Silva, 47 tuổi, giải thích.

Anh Arthur Jorge da Silva thừa nhận tác động cốc nhựa dùng một lần đến môi trường, trong khi Brazil bị ghi nhận là quốc gia phát thải rác thải nhựa lớn thứ 4 thế giới vào năm 2019. Nhưng anh cho biết, "rất phức tạp" để tìm ra giải pháp thay thế với giá cả phải chăng hơn, hiện anh đang trả 1 USD/20 cốc và bán mate cho khách hàng với giá 1,80 USD/cốc.

Các thùng rác dọc bãi biển ở Rio de Janeiro tiếp nhận khoảng 130 tấn rác thải mỗi ngày nhưng nhựa không được phân loại và chỉ có 3% rác thải của Brazil được tái chế hàng năm. Ống hút nhựa đã bị cấm tại các nhà hàng, quán bar kể từ năm 2018. Các cửa hàng không cần cung cấp túi nilon miễn phí cho khách nữa, song nhiều nơi vẫn làm như vậy. Quốc hội Brazil cũng đang xem xét luật cấm mọi loại nhựa dùng một lần. Evelyn Talavera, 24 tuổi, cho biết cô cố gắng hết sức để dọn dẹp sạch sẽ khi rời khỏi bãi biển: “Chúng ta phải chăm sóc hành tinh của chúng ta. Dọn dẹp rác thải, giữ cho môi trường sạch sẽ”.

Paris (Pháp)

Ở Pháp, nhựa dùng một lần đã bị cấm từ năm 2016. Tuy nhiên, trong khi ống hút, dao, kéo nhựa dần dần bị hạn chế, thì túi nilon vẫn còn rất phổ biến. Tại chợ Aligre ở Paris, các gian hàng chất đầy trái cây, rau củ và nhiều chồng túi nilon sẵn sàng để phục vụ. Hầu hết túi nilon đều được đóng dấu “có thể tái sử dụng và tái chế 100%”, thậm chí một số loại còn được mô tả là có thể phân hủy sinh học hoặc được sản xuất từ vật liệu tự nhiên. Nhưng các chuyên gia chưa hết hoài nghi về ảnh hưởng của các sản phẩm này đối với môi trường.

Laurent Benacer, một chủ cửa tiệm cho biết, thường dùng hết một hộp 2.000 túi nilon, có giá 24 Euro (26 USD), mỗi tuần: “Không biết các nơi khác như thế nào, chứ ở Paris, mọi người đều yêu cầu cung cấp một chiếc túi nilon để đựng đồ đã mua. Tôi đã có lúc dừng lại việc cung cấp túi kèm theo hàng nhưng cửa tiệm xung quanh vẫn dùng bình thường, vì cạnh tranh khiến tôi lại phải cung cấp. Tôi cũng đã lựa chọn giải pháp thay thế là túi giấy nhưng một số khách hàng, nhất là người cao tuổi, vẫn chưa thực sự tin dùng. Họ cho rằng túi giấy dễ rách và mủn ra khi gặp nước”.

Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất)

Tại cửa tiệm Allo Beirut ở Dubai, những hộp nhựa dùng một lần được xếp cao, chờ được đóng gói và giao đi khắp thành phố. “Cửa tiệm nhận được hơn 1.200 đơn hàng mỗi ngày. Chúng tôi sử dụng hộp nhựa vì chúng kín và bảo quản thực phẩm tốt hơn”- người quản lý Mohammed Chanane cho biết.

Với ít người đi bộ và khí hậu thường xuyên nóng nực, đa phần trong số 3,7 triệu người dân Dubai phụ thuộc vào dịch vụ giao hàng về mọi thứ, từ xăng đến cà phê. Dubai cũng là một trong những nơi có lượng rác thải bình quân đầu người cao nhất thế giới; trong đó, nhựa dùng một lần chiếm tới 40% tổng lượng nhựa được sử dụng ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Từ tháng 6/2024, túi, hộp dùng một lần và một số mặt hàng tương tự đã bị cấm. Túi, hộp chứa Polystyrene sẽ tiếp tục bị hạn chế vào năm sau. Trước quy định này, cửa tiệm Allo Beirut đang cân nhắc sử dụng túi, hộp giấy dù giá thành sẽ bị đội lên, động thái này được khách hàng hoan nghênh. “Tôi rất không vui khi thấy nhựa dùng một lần tích tụ trong thùng rác của mình sau một tuần sử dụng. Tôi tự nhủ, nếu tất cả chúng ta đều có ý thức về sử dụng nhựa dùng một lần, sẽ góp phần tích cực bảo vệ môi trường". Youmna Asmar, một khách hàng của Allo Beirut, chia sẻ.

Tùng Anh (Theo AsiaOne)