Print

Chinh phục kỹ thuật ghép phổi: Níu giữ, hồi sinh những cuộc đời

Thứ Hai, 23 /09/2024 16:28

Những năm qua, thành công của những ca ghép phổi không chỉ mang lại sức khỏe và cơ hội sống cho người bệnh mà còn truyền cảm hứng cho đội ngũ thầy thuốc Việt Nam trong hành trình chinh phục đỉnh cao về khoa học kỹ thuật để cứu sống con người. Thành công của ca ghép phổi này góp phần nâng tầm thành tựu kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam, cứu thêm nhiều người bệnh và đưa y học Việt Nam tiếp tục vươn ra thế giới.

Sáng 23/9, BV Phổi TƯ tổ chức Chương trình gặp mặt Những lá phổi hồi sinh chúc mừng các ca ghép phổi thành công. Chia sẻ tại Chương trình, ông Đinh Văn Lượng- Giám đốc BV Phổi TƯ cho biết: Đến nay, BV đã phối hợp thực hiện thành công 3 ca ghép phổi, trong đó ca bệnh Nguyễn Xuân Toại được ghép phổi vào ngày 16/9/2024 là ca bệnh có thời gian sống sau ghép lâu nhất tại Việt Nam. Riêng trong năm 2024, BV Phổi TƯ đã phối hợp thực hiện 2 ca ghép phổi cho người bệnh Phạm Anh Thư và người bệnh Trịnh Thị Hiền, 2 ca ghép này được tiến hành tại BV với sự tham gia hội chẩn trực tuyến của các chuyên gia hàng đầu tại các BV khác nhau. Các ca phẫu thuật trên đã được thực hiện theo những quy trình chặt chẽ, bài bản và thành công theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.

BV Phổi TƯ chúc mừng các ca ghép phổi thành công

Trong đó, ca ghép phổi thứ 3 cho người bệnh Trịnh Thị Hiền được đánh giá là ca ghép phổi phức tạp, khó khăn hơn, do người mắc nhiều bệnh nền nặng, quá trình phẫu thuật gặp nhiều khó khăn do cấu trúc giải phẫu khó, đòi hỏi tay nghề kỹ thuật cao của các chuyên gia phẫu thuật, đồng thời quá trình hồi sức, chăm sóc hậu phẫu diễn phức tạp, cần sự theo dõi khắt khe, can thiệp kịp thời, sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện giữa nhiều chuyên khoa.

Đây là ca ghép phổi mang đến nhiều thử thách cho đội ngũ chuyên gia, bác sĩ, nhân viên y tế, tuy nhiên vượt qua những khó khăn, đến thời điểm hiện tại, tình trạng sức khoẻ của người bệnh đã hồi phục tốt và sẽ sớm được xuất viện. Hiện tại, cả 3 người bệnh đều sống khoẻ mạnh, tình trạng sức khoẻ ổn định, có thể sinh hoạt và làm việc, học tập bình thường. Các ca ghép thành công trên là dấu mốc lớn ghi nhận tiến bộ vượt bậc của các thầy thuốc BV Phổi TƯ với những chỉ đạo và quan tâm đặc biệt của Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, sự phối hợp chặt chẽ của nhiều đơn vị trong và ngoài BV.

Chia sẻ tại chương trình, bệnh nhân Nguyễn Xuân Toại- người ghép phổi có thời gian sống lâu nhất tại Việt Nam xúc động chia sẻ: "Ngày 16/9 vừa rồi là tôi ghép phổi tròn 4 năm. Tôi được các y bác sĩ BV chăm sóc như người thân trong gia đình. Đến đây như tôi trở về ngôi nhà thứ 2 của mình”. Bệnh nhân Toại cho biết thêm, cứ mỗi khi đến lịch khám định kỳ là BS.Lê Ngọc Huy- Phó Giám đốc Trung tâm ghép tạng thường gọi điện giục ông đi khám bệnh. Hay mỗi lần "trái gió trở trời" bị ốm đau là ông đều nhờ các y bác sĩ BV Phổi TƯ tư vấn điều trị bệnh.

Ông Đinh Văn Lượng- Giám đốc BV Phổi TƯ phát biểu

Ông Toại cho biết, các bác sĩ chăm sóc với mình rất tận tình, chu đáo. Nhờ đó, sức khỏe của ông đã hồi phục và hiện tại gần như người bình thường, ông có thể làm mọi việc trong gia đình và tự chăm sóc cho bản thân. Đều đặn mỗi ngày, ông Toại tập đi bộ 2 lần, mỗi lần đo đồng hồ đếm bước chân được 3000 bước.

Cũng theo ông Đinh Văn Lượng, sự thành công của các ca ghép phổi vừa qua tại BV là sự phối hợp của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ghép phổi tại Việt Nam và sự hỗ trợ từ xa của Trung tâm ghép phổi UCSF- là 1 trong 9 trung tâm ghép phổi lớn và có uy tín nhất tại Mỹ. Cũng theo lãnh đạo BV Phổi TƯ, hiện nay quy trình chẩn đoán, ghép phổi, điều trị trước và sau mổ… tại BV Phổi TƯ đã đạt tiêu chuẩn như các nước phát triển Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Hằng năm trên thế giới có khoảng 5.000 ca ghép phổi, chủ yếu từ người cho chết não; trong đó, tại Mỹ có khoảng 2.500 ca.

Hiện, Việt Nam có khoảng 1.000 ca có chỉ định ghép phổi nhưng đang thiếu nguồn tạng hiến. So với quy trình ghép phổi đạt tiêu chuẩn như những nước tiên tiến trên thế giới, giờ chúng ta mới bắt đầu bằng con số 1, 2, 3 nhưng tương lai, chúng ta sẽ tiến hành nhiều ca ghép phổi thành công hơn nữa. Khi thành chương trình thường quy, kỹ thuật ghép phổi sẽ được triển khai hằng năm, giúp cho nhiều người bệnh hồi sinh.

Giám đốc BV Phổi TƯ cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam trở thành quốc gia có tên tuổi trên bản đồ thế giới về ghép phổi, trở thành Trung tâm ghép phổi của cả vùng Đông Nam Á. Được biết, từ năm 2020, BV Phổi TƯ, BV chuyên khoa đầu ngành về Bệnh phổi và lao tại Việt Nam đã làm chủ và phối hợp thực hiện thành công kỹ thuật ghép phổi.

Đây là kỹ thuật khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng, đòi hỏi sự phối hợp nghiêm ngặt của tất cả các bộ phận, các chuyên khoa sâu, các quy trình chuẩn bị phổi người cho, phẫu thuật cấy ghép, chăm sóc và hồi sức sau ghép phải sử dụng những kỹ thuật tiên tiến, các loại thuốc, hóa chất, vật tư y tế hiện đại và sự chăm sóc toàn diện của các chuyên gia các chuyên ngành y học.

Với những thành công này chương trình phép phổi của nước ta sẽ được ghi nhận vào danh sách của hệ thống ghép phổi trên thế giới. Thành công của ca ghép phổi này đã góp phần quan trọng vào thành tựu kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam; chương trình ghép phổi sẽ giúp cứu được hàng nghìn người bệnh mà chỉ thay phổi mới cứu chữa được;

Theo ông Đinh Văn Lượng, các quy trình kỹ thuật chẩn đoán, điều trị nội khoa và phẫu thuật phổi sẽ như các nước phát triển. Với nỗ lực chinh phục đỉnh cao khoa học không ngừng, liên tục áp dụng những kỹ thuật mới, các ca ghép phổi thành công là những kỳ tích của y học trong sự nghiệp cứu người. Bản đồ y học Việt Nam tiếp tục mở ra thế giới với nhiều thành công mới, nâng tầm cao mới cho nền y học nước nhà.

Hà Hùng